Thursday, February 16, 2012

Lập nghiệp bằng mô hình chăn nuôi hỗn hợp

Trong khi nhiều thanh niên nông thôn tìm cách đi làm ăn xa thì Phạm Nguyễn Hữu Tiến (26 tuổi), ở xã Phú Thanh, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết tâm gắn bó và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê mình bằng mô hình chăn nuôi hỗn hợp.
Học xong THPT, Tiến không chọn con đường thi vào ĐH, CĐ, hay THCN như các bạn cùng quê mà xin được ở nhà làm kinh tế. “Nhiều người quan niệm cứ phải vào ĐH, CĐ hay phải học lấy một nghề nào đó thì mới thành công nên không còn mặn mà với ruộng đồng. Nhưng đâu phải ai cũng thành công với quan niệm ấy”, Tiến cho hay. Với suy nghĩ “khó khá lên được nếu chỉ làm ruộng”, Tiến bắt đầu tìm tòi, học hỏi và ấp ủ ước mơ làm kinh tế.
Tận dụng lợi thế đất nhà rộng, Tiến đầu tư làm chuồng trại nuôi gà kiến, ngan, lợn nái, chim bồ câu và thỏ. Bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật nuôi, nhưng bằng tinh thần “có khó khăn mới thành công”, Tiến đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học. Ngoài ra, Tiến còn lặn lội tìm vào các trang trại ở tỉnh Gia Lai để học tập kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, mô hình của Tiến ngày càng hoàn chỉnh quy trình và từng bước mang lại kết quả.
 
Mô hình chăn nuôi hỗn hợp của Tiến lúc nào cũng có hơn 100 gà đẻ, 100 gà thịt, 150 gà con (tự ấp nở), 100 thỏ đẻ, 50 thỏ thịt, 60 thỏ con, 80 cặp bồ câu bố mẹ, 40 cặp bồ câu ra ràng, 30 con ngan và 5 lợn nái. Trung bình mỗi năm Tiến thu nhập từ trang trại của mình gần 500 triệu đồng. Bên cạnh việc chăn nuôi, Tiến còn thể hiện vai trò của một nông dân thực thụ khi trực tiếp sản xuất 3 ha lúa với sản lượng từ 15-18 tấn và thu từ lúa hơn 100 triệu đồng/năm.
Là một ông chủ trại với mô hình phát triển kinh tế bề thế, Tiến còn là một cán bộ Đoàn nhiệt tình, năng nổ luôn được đoàn viên, thanh niên tin yêu, mến phục. Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong việc sản xuất kinh doanh, Tiến luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật cho nhiều thanh niên ở các địa phương lân cận đến tìm hiểu về mô hình.
Nói về tạo việc làm cho thanh niên tại quê nhà, Tiến trăn trở: “Thanh niên nông thôn hiện rất khó khăn về nguồn vốn để lập nghiệp, nên thường phải bươn chải vào nam hay ra bắc làm thuê. Tạo việc làm cho thanh niên nông thôn trước hết cần phải có chính sách hỗ trợ về vốn để họ có đồng vốn ban đầu, có như vậy họ mới có thể mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương của mình”.
Minh Phương

No comments:

Post a Comment