Tuesday, March 13, 2012

Mô hình nuôi gà ác hiệu quả cao của nông dân Hòa Lộc

        
Gà ác còn có tên là gà ngũ trảo, vì chân có 5 ngón. Thịt gà ác thơm, ngon hơn thịt gà thường và là một món thuốc bắc quý hiếm trên thị trường.
Cùng với việc nhân rộng các mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, nhiều hộ nông dân ở Hoà Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc đã phát triển mô hình nuôi gà ác. Tiêu biểu là anh Trần Văn Thuận ở ấp Hoà Phước.
Anh Thuận cho biết, mỗi tháng anh xuất bán khoảng 3.000 con gà ác thịt (mỗi con có trọng lượng 200 – 300g). Giá mỗi con trung bình 12.000 đồng. Trừ mọi chi phí con giống, thức ăn, anh có lãi khoảng 6 triệu đồng.
Image
Anh Thuận giới thiệu "kho" trứng gà ác của mình. (Ảnh: T. Duyên)

Sức khoẻ yếu, không thể lao động nặng, vợ chồng anh Thuận chọn nghề nuôi gà để phát triển kinh tế. Anh chị đầu tư làm chuồng trại 50 triệu đồng.
Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, anh chỉ nuôi 200-300 con thịt. Thấy có hiệu quả cao, tích luỹ được một số kinh nghiệm, anh mạnh dạn đầu tư nuôi gà thịt số lượng lên đến hàng ngàn con.
Anh Thuận cho biết, nuôi gà ác phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm ngừa các loại bệnh, đặc biệt là cúm A/H5N1. Chuồng trại cũng phải được vệ sinh hàng ngày, nước uống được xử lý trước khi đưa đến chuồng. Gà con được úm trong lồng lưới có đèn sưởi ấp.
Gà giống được mua ở tận Tiền Giang, có qua kiểm dịch. Sau 4 - 5 tuần tuổi gà có trọng lượng khoảng 20 gram. Khi đó, gà thịt được thương lái rất ưa chuộng.
Bên cạnh việc nuôi gà thịt, anh Thuận còn thu mua gà thịt của bà con địa phương để tiêu thụ. Thị trường chủ yếu là các chợ trong huyện và cả thương lái ở tận Long An.
Anh Thuận tiếp tục đầu tư nuôi gà giống. Hiện anh đã có 500 con gà mái và 100 gà trống để nuôi làm giống. Anh Thuận chia gà thành những chuồng nhỏ với tỷ lệ 40 gà mái 6 gà trống. Khoảng ba tháng, gà đã cho trứng.
Về kỹ thuật cho gà đẻ liên tục anh Thuận cho biết anh sử dụng đèn vào buổi tối, chỉ cho gà ngủ khoảng 6 tiếng. Ban đêm anh tăng cường thức ăn, cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Chuồng gà được thiết kế nghiêng để gà không giữ được trứng. Anh chị cho biết phải thường xuyên thăm trứng, không để cho gà giữ trứng, vì khi đó gà sẽ ngưng đẻ 5 – 6 ngày. Anh chị còn tận dụng mương dưới chuồng để nuôi cá tăng thu nhập cho gia đình.
Ngoài ra, anh Thuận còn đầu tư mua 1 máy ấp trứng với công suất 4.000 trứng/lần ấp với giá 4 triệu đồng, vừa để có gà giống nuôi, vừa cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi.
Mô hình nuôi gà ác thịt của anh Thuận đang mang lại hiệu quả khá cao. Việc chăm sóc gà tương đối đơn giản mà một nông dân nào cũng có thể làm được.
Nuôi gà ác là một mô hình mới. Điều kiện khí hậu của địa phương lại rất thích hợp với giống gà này. Do đó, nhân rộng mô hình và khuyến khích nông dân làm theo là điều cần thiết.
Ông Trần Văn Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Lộc khẳng định: Đây là mô hình điển hình của xã và có hiệu quả hướng thị trường có tiềm năng cho nông dân sản xuất và tiêu thụ. Nông dân khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình phát triển có tính kế thừa. Mô hình này vừa nâng cao thu nhập vừa đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân chúng ta.”

Mô hình nuôi thỏ đạt hiệu quả kinh tế cao

        
        
Trước thực trạng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra, cùng với việc giá cả và đầu ra một số hàng hoá nông sản không ổn định đã tác động mạnh đến đời sống của người dân, gần đây một số nông dân tại xã Vĩnh An, huyện Ba Tri đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, vừa đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định. Thỏ đang là đối tượng được người dân nuôi rộng rãi tại đây.
Đến thăm mô hình nuôi thỏ của anh Bùi Văn Việt, ở ấp Vĩnh Đức Trung, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri, mới tận mắt chứng kiến mô hình khá quy mô của anh.
Là nông dân cần cù chịu khó, năm 2009 anh học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ từ các phương tiện thông tin đại chúng và những người bạnở ngoài huyện.
Image
Thỏ là loại rất dễ nuôi, không kém chọn thức ăn.
Lúc đầu anh chỉ nuôi 2 con, thấy thỏ rất dễ nuôi, không kén thức ăn (chủ yếu là rau cỏ, lá cây), nếu nuôi càng nhiều thì hiệu quả kinh tế càng cao, nên anhđã mở rộng chuồng trại gần 100m2nhân thêm thỏ giống để nuôi.
Qua 1 năm gầy dựng mô hình, đến nay anh Việtđã nuôi gần 300 con thỏ. Nhờ nắm vững kiến thức về chăn nuôi, thực hiện nuôi thỏ theo chu trình khép kín, chủ động từ khâu con giống đến khi xuất bán, lại biết cách chủ động phòng tránh dịch bệnh, nên đàn thỏ phát triển khá nhanh.
Theo anh Việt, thỏ con nuôi từ 5-6 tháng là có thể sinh sản. Nếu thỏ đã trưởng thành thì mỗi tháng đẻ một lần. Mỗi năm một con thỏ cái đẻ trung bình 8 lứa, mỗi lứa từ 6-10 con.
Thỏ trưởng thành đạt khoảng trên 5kg. Hiện tại, giá thỏ thịt dao động từ 40 đến 42 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi con thỏ xuất chuồng khoảng 3 tháng tuổi, đạt trọng lượng gần 3 kg cũng có giá đến 120 ngàn đồng.
Ngoài bán thỏ con, thỏ thịt, anh Việt còn bán thỏ giống cho các địa bàn trong và ngoài tỉnh với giá mỗi con thỏ giống sắp sinh sản khoảng 350 ngàn đồng.
Tùy theo lượng thỏ bán ra, mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh Việt còn lãi từ 3 đến 6 triệu đồng. Như vậy mỗi năm sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng.
Nói về kinh nghiệm nuôi thỏ của mình, anh Bùi Văn Việt cho biết: Thỏ là loại gặm nhắm rất dễ nuôi, chủ yếu ăn các loại rau như lá khoai lang, rau muống, cỏ, thân cây chuối.
Tuy nhiên để thỏ đủ dinh dưỡng và mau lớn, chúng ta có thể cho thỏ ăn lúa, cám trộn thức ăn công nghiệp, thỏ ít bị bệnh và rất dễ chăm sóc. Nếu giá cả thị trường tiếp tục ổn định, nuôi thỏ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Còn đối với anh Lê Văn Đở, người cùng xã Vĩnh An, là một người có thâm niên nuôi thỏ chưa đầy 2 năm, nhưng anh đã gầy dựng nên mô hình nuôi thỏ khá bài bản và quy mô lớn.
Hiện anh Đở có gần 200 mét vuông chuồng trại, với tổng đàn lên đến gần 500 con, trong đó thỏ thịt gần xuất bán chiếm khá lớn. Anh cho biết, hiện tại bình quân hàng tháng anh xuất bán gần gần 100 con thỏ thịt, với giá 42 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí anh thu lãi hàng tháng trên dưới 8 triệu đồng/ tháng.
Cũng có những thời điểm đàn thỏ của anh không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh Đở còn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thỏ cho những ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm để nuôi.
Từ các mô hình của anh Việt và anh Đở, hiện nay, xã Vĩnh An đã phát triển mạnh phong trào nuôi thỏ. Theo thống kê, toàn xã đã có hàng trăm hộ bắt đầu gầy dựng mô hình nuôi thỏ, quy mô mỗi hộ từ 5 đến 10 con.
Đánh giá về hiệu quả mô hình này, anh Đặng Văn Thu, Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh An cho biết: Mô hình nuôi thỏ ở Vĩnh An rất khả thi. Trước đây người dân chỉ nuôi thỏ làm kiểng, nhưng 2 năm gần đây nhờ giá cả khá ổn định nên người dân đã bắt đầu nuôi và dần phát triển trên diện rộng, mà chủ yếu là hộ nghèo. Bởi vốn đầu tư nuôi thỏ là không nhiều, mà nguồn thức ăn cho thỏ rất dễ kiếm. Một người chỉ có vài trăm mét vuông đất là có thể xây dựng chuồng trại nuôi, kể cả đất trồng rau tạo nguồn thức ăn cho thỏ.
Anh Thu khẳng định, với đà phát triển này, thì từ nay đến cuối năm, Vĩnh An sẽ có trên 400 hộ tham gia mô hình nuôi thỏ. Và nếu với giá như hiện nay, thì con thỏ chính là vật nuôi xoá đói giảm nghèo bền vững của người dân địa phương.
Hiện nay,đầu ra cho thỏ thịt và thỏ giống khá thuận lợi, thương lái đến tận nơi để thu mua. Thị trường tiêu thụ mạnh là TP.HCM để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu và các siêu thị. Thỏ giống thì bán cho các các hộ nông dân có nhu cầu nuôi trong và ngoài huyện.

Thu nhập khá nhờ nuôi ếch công nghiệp

        
          
Không tốn nhiều diện tích đất, có thể tận dụng đất xung quanh nhà, đất dưới tán các vườn cây là làm được hồ nuôi ếch công nghiệp. Nhiều nông dân ở xã Tiên Long, An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang thực hiện thành công mô hình này, góp phần tăng nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Nuôi ếch công nghiệp tại xã Tiên Long phát triển mạnh trong 3 năm nay. Năm 2010 này, toàn xã có 27 hộ dân nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, với khoảng 50.000 con ếch thịt mỗi năm. Đặc biệt, có 4 hộ chuyên sản xuất giống để cung cấp cho người dân có nhu cầu nuôi ếch trong và ngoài tỉnh Bến Tre.

Image
Nuôi ếch công nghiệp tại xã Tiên Long. (Ảnh: CD)

Anh Lê Trường Vũ ở ấp Tiên Phú 1, xã Tiên Long đã thực hiện mô hình nuôi ếch công nghiệp 3 năm nay. Với diện tích đất khoảng 200 m2 xung quanh nhà, anh Vũ làm hồ nuôi ếch công nghiệp đã đem về nguồn thu cho gia đình anh mỗi năm vài chục triệu đồng.
Năm 2007, anh Vũ đầu tư nuôi 12.000 con ếch thịt. Sau gần 3 tháng nuôi, anh xuất bán trên 45 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi 12 triệu đồng.
Sau đợt ếch này anh Vũ để lại 70 ếch cái đồng thời mua thêm 70 ếch đực để làm ếch bố mẹ nhân giống ếch con nuôi và bán cho người dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu nuôi ếch công nghiệp.
Năm 2008, anh Vũ tiếp tục nuôi 6.000 con ếch thịt, bán được 25 triệu đồng, do con giống tại nhà nên khi trừ chi phí thức ăn, thuốc chăm sóc ếch, anh còn lãi 15 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Vũ còn bán 40.000 con ếch giống với giá 1.000 đồng mỗi con thu về 40 triệu đồng. Năm 2009, cũng nuôi số lượng ếch thịt và bán ếch giống tương tự đã đem về cho anh lãi gần 50 triệu đồng.
Do nhu cầu ếch giống tăng cao, năm nay anh Vũ chủ yếu nhân giống bán cho người nuôi, chắc chắn sẽ đem về thu nhập đáng kể cho gia đình anh.
Còn chị Lê Thị Cẩm Hường, ngụ cùng ấp đang phấn khởi với 3 hồ nuôi ếch thịt phát triển tốt. Là hộ khó khăn về vốn sản xuất, năm 2008, chị được Hội nông dân xã tạo điều kiện vay vốn hỗ trợ sản xuất 8 triệu đồng đầu tư làm hồ nuôi 5.000 con ếch thịt.
Do chưa có kinh nghiệm nuôi ếch và tốn chi phí đầu tư con giống nên sau 3 tháng nuôi, xuất bán ếch chị còn lãi khoảng 2 triệu đồng. Từ đợt ếch đầu tiên, chị Hường chọn để lại 18 ếch cái và mua 18 ếch đực để nhân giống ếch con tại nhà để nuôi. Từ số ếch trên chị đã nhân ra 6.000 con ếch giống nuôi đợt này và bán 2.000 con cho khách hàng.
Chị Hường nhẩm tính: “Với số ếch đang nuôi, trong vòng chưa đầy 1 tháng nữa tôi sẽ bán khoảng 1 tấn ếch thịt. Nếu giá bán chỉ ở mức 25.000 đồng/kg như hiện tại, trừ chi phí tôi sẽ còn lãi khoảng 15 triệu đồng. Thành công bước đầu với con ếch, kế hoạch của tôi là chọn để lại 100 con ếch cái từ số ếch thịt nhằm tăng quy mô sản xuất ếch giống nuôi tại nhà và cung cấp cho khách hàng”.
Nuôi ếch công nghiệp, người nuôi chỉ cần xây hồ bằng xi măng, hoặc làm hồ theo hình thức xung quanh bao lưới, dưới đáy hồ trải bạt nylon, hoặc làm vèo trên các ao có sẵn.
Với diện tích hồ 10m2 là nuôi được từ 800 – đến 1.000 con ếch. Nuôi ếch công nghiệp không khó, người nuôi cần chú ý đến việc làm ao hồ sao cho thuận tiện trong việc chăm sóc chúng.
Khi chọn giống để nuôi ếch thịt cần chọn con khỏe mạnh, kích cỡ ếch đều nhau. Môi trường nước trong hồ, ao luôn giữ sạch bằng cách lọc, thường xuyên thay nước để loại bỏ phân và thức ăn thừa của ếch, không để nước dơ bẩn hoặc có mùi hôi.

Image
Chị Hường đang chăm sóc số ếch thịt nuôi năm 2010. (Ảnh: CD)

Trong quá trình nuôi, ếch có sự phân đàn rất lớn, ếch lớn càng lớn nhanh vì chúng ăn thịt những con ếch nhỏ, nên trong thời gian đầu lựa ếch lớn và ếch nhỏ ra nuôi riêng. Theo dõi thường xuyên để khi phát hiện ếch bị bệnh điều trị kịp thời…
Mấy năm gần đây, giá ếch nuôi dao động ở mức 25.000 đến 30.000 đồng mỗi kg, người nuôi ếch nếu chịu đầu tư nuôi một cách bài bản sẽ có lời, đặt biệt là lời khá khi chủ động được nguồn giống nuôi tại nhà.
Nuôi ếch công nghiệp tại tỉnh Bến Tre đã có nhiều năm nay, tuy nhiên do nhiều hộ nuôi chưa rành rẽ về kỹ thuật chăm sóc, chủ yếu là tự phát theo phong trào, không ít lần nông dân thua lỗ do gặp rủi ro về đầu ra của sản phẩm khi đã phát triển đại trà, người nuôi ếch công nghiệp cũng có chung tâm lý này, nên chưa mạnh dạn xem nuôi ếch là nghề và chưa thật sự đầu tư nuôi một cách bài bản.
Để nghề nuôi ếch phát triển thành một nghề thực thụ, giúp người dân xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, nuôi ếch theo hướng bền vững, nên chăng các ngành chức năng cần tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi, cũng như thành lập tổ hợp tác nuôi ếch để giúp các hộ dân trao đổi kỹ thuật nuôi, hợp tác để cùng nhau tìm hướng đi cho sản phẩm của mình.

Thu nhập cao nhờ nuôi cá rô

In
Ông Đặng Văn Xích (thường gọi là Hai Xích) ở ấp Tân Hậu 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, trong các năm 2008 – 2009 từng được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, và được chọn tuyên dương tại Hội chợ triển lãm kinh tế nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở tỉnh Vĩnh Long năm 2010 nhờ thành công với mô hình nuôi cá rô đồng. Hiện nay ông tiếp tục thành công với việc nuôi con cá rô đầu vuông.
Về xã Tân Trung, hỏi ông Hai Xích nuôi cá rô rất nhiều người biết bởi cái tính chịu khó, luôn tìm tòi trong sản xuất kinh tế. Ngay con đường vào nhà ông là hai ao nuôi cá rô được ông thiết kế bài bản, tạo sức hấp dẫn đối với những ai đến tham quan mô hình nuôi cá của ông.

Image
Ông Hai Xích nuôi cá rô đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hai Xích có 7.000 m2 đất trồng dừa và cây ăn trái, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông nhận thấy mô hình nuôi cá rô đồng công nghiệp phù hợp với điều kiện vùng đất của gia đình mình. Vậy là năm 2007 ông đào ao diện tích 500 m2 nuôi cá rô đồng.
Để trang bị kiến thức nuôi cá, ông tìm đến các trại cá giống ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, học hỏi kinh nghiệm ươm trứng cá lên cá giống, nuôi từ cá giống lên cá thịt và kỹ thuật sinh sản nhân tạo của cá rô đồng. Sau khi nắm vững các kiến thức nuôi cá rô, ông Hai Xích mua 5 ly trứng cá rô đồng về ươm và nuôi cá thịt.
Nhớ lại lúc đem con cá rô đồng về nuôi, ông Hai Xích kể: “Không ít người bảo tôi mua cá rô về thả sông vì cho rằng loài cá này nuôi không khéo sẽ lóc đi hết. Để không mích lòng người ta, tôi trả lời chỉ nuôi thử nghiệm, chứ mình đầu tư làm ao hồ bài bản thì lo gì chuyện cá đi, chỉ lo nuôi cá có được hay không”.
Ngay lần đầu tiên nuôi con cá rô đồng đã đem về thành công cho ông Hai Xích. Sau thời gian nuôi hơn 4 tháng, hình thức nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp, mật độ nuôi 30 con/m2, ông Hai Xích thu được 1,5 tấn cá thịt. Với giá cá bán tại ao 32.000 đồng/kg, ông thu được 48 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí giống, cải tại ao, thức ăn, thuốc hoá chất, ông còn lãi 18 triệu đồng. Ngoài ra, từ lứa cá này, ông Hai Xích chọn được 400 cặp cá bố mẹ để sinh sản.

Image
Ao nuôi cá rô của ông Hai Xích.

Năm 2008 ông Hai Xích mạnh dạn đào thêm ao rộng 800m2 để đầu tư nuôi cá rô đồng. Ông tiếp tục đạt được thành công. Trong năm, 2 ao cá, mỗi ao nuôi 2 vụ, ông thu được 8 tấn cá thịt, trừ các khoản chi phí ông còn lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Năm 2009, ông tiếp tục thu lãi 40 triệu đồng nhờ nuôi cá rô đồng.
Không dừng lại với thành công hiện tại, để việc nuôi cá rô đem về hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Hai Xích đã đi tỉnh Hậu Giang tìm mua 20 cặp cá rô đầu vuông về nhân giống thay thế giống cá rô đồng. Năm 2011, sau 2 đợt nuôi cá rô đầu vuông, ông thu lãi 50 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nuôi cá rô có được, tháng 10/2011 ông Hai Xích được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bến Tre chọn đầu tư mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm và ông thực hiện rất thành công. Với 25.000 con giống thả nuôi, trong diện tích 1.100 m2, sau thời gian 4 tháng nuôi ông thu hoạch trên 4 tấn cá thương phẩm, giá bán 28.000 đồng/kg, ông lãi trên 50 triệu đồng.
Ông Hai Xích cho biết: “Ưu điểm của cá rô đầu vuông là con lớn, kích cỡ cá đực, cái bằng nhau. Cá rô đầu vuông rút ngắn thời gian nuôi còn 3,5 – 4 tháng so với cá rô đồng nuôi 5 tháng mới thu hoạch, qua đó giảm chi phí đầu tư. Nuôi cá rô đầu vuông bình quân 1 tấn cá cho ăn từ 1,3 đến 1,5 tấn thức ăn, trong khi cá rô đồng phải cho ăn từ 1,7 đến 2 tấn thức ăn.
Nuôi cá rô đầu vuông cũng như nuôi như cá rô đồng, chỉ cần nắm vững kỹ thuật nuôi sẽ dễ đạt hiệu quả. Cá rô đầu vuông nuôi không cần nước ra vào ao thường xuyên, nhưng phải chủ động nguồn nước để ngừa bệnh cho cá, cứ một con nước thủy triều thì thay khoảng 30% lượng nước trong ao một lần vì ao sinh tảo, sau đó sát trùng nước để diệt các loại mầm bệnh”.

Friday, March 9, 2012

Kỹ thuật nuôi heo rừng lai







Chăn nuôi heo rừng lai ngày nay không còn xa lạ với bà con chăn nuôi trong tỉnh. Thế nhưng chăn nuôi như thế nào, chăm sóc ra sao thì không phải ai cũng biết rõ. Vì vậy để chăn nuôi heo rừng lai đạt hiệu quả, bà con cần chú ý một số kỹ thuật sau:
1. Chọn giống
Nuôi heo rừng lai cũng giống như heo nhà nên việc chọn giống cũng rất quan trọng. Vì vậy bà con cần chú ý:
- Về hình thức: nên chọn những con có vóc dáng cân đối, lưng thẳng, bụng thon, nhanh nhẹn… Có màu sắc đặc trưng (màu hung đen hoặc xám đen), tính biệt rõ ràng…
- Về nguồn gốc: nên chọn mua heo ở những trại giống lớn, có uy tín nhiều năm liền.
- Con giống phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo qui định như: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn…v..v.
2. Chuồng trại
Đối với heo rừng lai việc phòng bệnh là rất quan trọng, vì vậy xây dựng chuồng trại đúng cách đã góp phần rất lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
- Chuồng được xây dựng đơn giản bằng gạch (khoảng 4m2 mỗi chuồng), có cửa chuồng, có mái che. Có thể xây theo kiểu hệ thống chuồng liên kề với các cửa thông nhau. Nên để một khoảng đất trống (có rào lưới chắc chắn – thường sử dụng là lưới B40) để thả heo con và để heo được sưởi nắng, diện tích tối thiểu là 4 m2/con.
- Trong khoảng đất trống nên trồng thêm một số cây để tạo bóng mát cho heo. Càng nhiều cây rậm rạp càng tốt vì chúng thích hợp với bản chất của con heo rừng.
- Trong chuồng nên có một hồ nước xây nghiêng để heo vào uống nước và dầm mình. Nó không những cung cấp đủ nước cho heo uống mà quan trọng hơn là nó sẽ duy trì được hệ thực vật phong phú tại nơi nuôi chúng và giữ được độ ẩm thích hợp.
- Chuồng nên xây trên nền đất cao ráo, dễ thoát nước, không ẩm ướt để tránh nước đọng và cũng dễ dàng vệ sinh chuồng trại. Trong nền chuồng nên treo ụ bằng lá chuối khô và rơm khô.
- Không nên tận dụng các chuồng trại cũ đã nuôi heo nhà để thả heo rừng, vì mầm bệnh tồn đọng của heo nhà có thể lây sang heo rừng. Mặt khác, khu nuôi phải cách xa khu dân cư và đường sá vì chúng luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động.
3. Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Giai đoạn 1 tháng trước khi sanh, heo mẹ cần được cung cấp đầy đủ và ổn định thức ăn tinh để tránh tình trạng heo con sinh ra bị xù lông, đổ ghèn, tiêu chảy, đi xiêu vẹo 2 chân sau….
- Heo con mới sinh cần được ở trong môi trường khô ráo và đủ ấm.
- Heo con một tuần tuổi cần chích bổ sung sắt. Một tháng tuổi thì tập heo con ăn bằng thức ăn tinh. Đến 1.5 tháng tuổi thì tách mẹ.
- Sau khi tách mẹ (1.5 đến 2 tháng tuổi) heo con được đưa sang chuồng rộng và nuôi ghép với nhiều bầy cùng lứa (10 đến 15 con/chuồng 400m2). Giai đoạn này rất quan trọng để heo con hình thành bộ khung, sức đề kháng để phát triển tốt. Do đó cần bổ sung thức ăn đầy đủ và bổ dưỡng, nên cho ăn thức ăn được nấu chín để dễ hấp thụ.
- Thức ăn của heo rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi heo rừng vì nó sẽ làm cho chất lượng của heo rừng bị biến đổi và đôi khi heo lại bị bệnh tiêu chảy.
- Thức ăn gồm có: thức ăn xanh tươi (cây chuối, bẹ chuối, thân cây ngô non, rau muống, bèo tây, các loại cỏ, các loại quả xanh v.v.. ), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả, mầm cây, rễ cây các loại), muối khoáng (tro bếp, đất sét, hỗn hợp đá liếm…). Thực tế cho thấy, heo rừng thường tìm đến nương rẫy mới đốt kiếm tro, đất sét để ăn.
- Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều, một heo rừng lai trưởng thành mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2-3kg thức ăn các loại. Ngoài ra cần phải cung cấp nước uống đầy đủ, nên sử dụng nguồn nước sạch đã qua khử trùng.
- Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn và thay nước trong hồ.
4. Phòng bệnh
Heo rừng lai là vật nuôi mới được lai tạo nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, heo rừng lai cũng thường bị một số bệnh như: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh khác... Do đó cần phải tiêm phòng và định kỳ tẩy giun sán.
- Tiêm phòng vắc xin các loại bệnh như: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… mỗi năm một lần.
- Định kỳ tẩy giun, sán 03 tháng một lần, trừ giai đoạn mang thai.
Lê Thị Thảo – Chi cục Thú y

Chăm sóc heo con phòng ngừa bệnh tiêu chảy


Tiêu chảy là bệnh xảy ra phổ biến ở heo con theo mẹ và heo cai sữa do các nguyên nhân như: stress, dinh dưỡng kém hoặc do nhiễm bệnh. Bệnh không gây tử vong cao nhưng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Vì vậy bà con cần chú ý các vấn đề sau đây để phòng ngừa bệnh tiêu chảy trên heo con.
Chuồng trại và thiết bị chuồng trại
Chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa.
Hướng chuồng nên xây theo hướng Đông - Tây để tránh bức xạ mặt trời vì nhiệt độ quá nóng heo sẽ ăn ít và chậm lớn. Nền chuồng làm bằng bê-tông, có độ dốc 2-3%, không tô láng để tránh heo bị té sẩy chân.
Máng ăn, uống riêng biệt đúng kích cỡ. Bên ngoài chuồng có rãnh thoát phân, nước dội chuồng và hố xử lý chất thải. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, thiết bị phục vụ chăn nuôi.
Mật độ nuôi tối đa 20-30con/ô chuồng (khoảng 1-1,2m2/con). Không nên nuôi mật độ dày chúng dễ đánh nhau tranh ăn uống, khó kiểm soát.
Vệ sinh chuồng trại: chỉ quét dọn khô, thay lót chuồng bẩn, không rửa nước. Để heo con nằm trên chuồng sàn có lót rơm cắt ngắn hoặc cỏ khô. Định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng và môi trường xung quanh bằng một trong các loại hoá chất như: BKA, Benkocid, Viskon… (Lưu ý: hoá chất sử dụng nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Thức ăn và dinh dưỡng
Nhu cầu dinh dưỡng của heo thay đổi tùy theo từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn còn nhỏ nhu cầu đạm và năng lượng cao hơn giai đoạn trưởng thành, nhưng ngược lại heo tiêu hóa thức ăn kém hơn giai đoạn sau này, do đó cần phải lựa chọn và sử dụng các loại thức ăn cho phù hợp.
Chế biến thức ăn cho heo con phải đầy đủ dinh dưỡng không để thiếu chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin…
Thức ăn hỗn hợp phải chọn loại có thành phần dinh dưỡng cao, đảm bảo số lượng, chất lượng và chủng loại, phải cung cấp đầy đủ các loại vitamin và các chất khoáng đa, vi lượng.
Thức ăn phải sạch, không ôi thiu, không nhiễm độc tố nấm mốc, nhiễm khuẩn hoặc thức ăn không rõ nguồn gốc.
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Giai đoạn sơ sinh
Heo con đẻ ra phải lau sạch nhớt, cắt rốn, bấm răng nanh và úm ngay.
Cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất là sau 2 giờ. Heo nhỏ, yếu ớt cho bú ở vú trước và chích gluconat – Ca trợ sức để heo sinh trưởng tốt và đồng đều.
Chích sắt đầy đủ cho heo con để phòng thiếu máu (chích 2 lần từ 2 – 3ngày đến 15 – 16ngày tuổi chích sắt Fedextran, Fedextrin, hàm lượng 100 – 200mg/cc, liều lượng 2 – 3cc/con).
Tập cho heo con ăn lúc 7-10 ngày để cai sữa sớm và khi cai sữa heo ăn được ít nhất 100gram thức ăn/con/ngày.
Thức ăn cho heo con giai đoạn này chủ yếu là sữa mẹ và thức ăn tập ăn sớm. (Thức ăn phải đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, ngon miệng và đảm bảo vệ sinh. Nguyên liệu dùng làm thức ăn là bột gạo, bột bắp, bột cá nhạt, bột đậu nành...)
Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, không giữ thức ăn lâu trong máng dễ lên men chua gây tiêu chảy heo con.
Giai đoạn cai sữa
Cai sữa thích hợp lúc heo được 28-30 ngày tuổi, thể trọng đạt 6-7kg và ăn được ít nhất 100gram thức ăn/con/ngày.
Giai đoạn này heo con dễ bị tiêu chảy do chịu nhiều stress như: xa mẹ, không còn bú mẹ, chuyển sang thức ăn thô, ghép nhiều bầy đàn lạ…. Vì vậy cần phải giảm stress tối đa cho heo như chuyển đổi thức ăn từ từ, hạn chế ghép nhiều bầy đàn lạ. Có thể sử dụng thêm enzym trợ giúp tiêu hoá cho heo con cai sữa sớm.
Cần phải sưởi ấm cho heo con vì lúc này lớp mỡ dưới da chưa phát triển nên chịu lạnh kém. Đặt bóng đèn ở độ cao 50-60 cm so với mặt sàn chuồng và quan sát heo con để điều chỉnh nhiệt độ, nếu thấy:
- Heo nằm chồng chất lên nhau, run là nhiệt độ trong chuồng thấp.
- Heo nằm tản mác khắp ô chuồng, mỗi con một nơi là nhiệt độ trong chuồng quá cao.
- Heo nằm con nọ kề cạnh con kia là nhiệt độ thích hợp.
Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, dễ hấp thu, có mùi vị hấp dẫn và không nhiễm tạp khuẩn (E.coli, Samonella, C.perfrigens…)
Giai đoạn sau cai sữa
Sau khi tách mẹ 7-10 ngày, có thể chuyển heo con đến chuồng sau cai sữa nhưng không nên tách đàn để hạn chế stress.
Chăm sóc nuôi dưỡng heo sau cai sữa thật tốt, đặc biệt là lúc mới chuyển heo từ chuồng sàn sang chuồng nền, heo dễ mắc bệnh. Phải dùng các loại thức ăn hỗn hợp có chất lượng tốt, đáp ứng tối đa nhu cầu heo con. Không chuyển đổi thức ăn đột ngột dễ gây rối loạn tiêu hoá cho heo con.
Bổ sung vitamin, Bcomplex tăng cường sức đề kháng cho heo và chích đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh truyền nhiễm như: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn..v..v.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Lê Thị Thảo – Chi cục Thú y