Saturday, February 25, 2012

Qui Trình KT Nuôi Thương Phẩm Cá Lóc Bông Trong Ao


1. Chuẩn bị ao nuôi :
Ao nuôi lóc bông có diện tích từ 500m2 trở lên, độ sâu từ 2,5-3m. Bờ ao phải cao và chắc chắn, không bị lỗ rò. Cống thoát nước nằm sát đáy ao và có khẩu độ lớn để nước thoát dễ dàng. Trước khi thả cá nuôi, ao được tát cạn, vét bớt bùn đáy, tu sửa chỗ sạt lở, lấp hết hang hố quanh ao. Rải vôi đáy ao từ 10-15kg/100m2, phơi nắng 2-3 ngày rồi cấp nước vào ao. Nguồn nước cấp cho ao phải chủ động, cấp thoát dễ dàng, nước không bị nhiễm phèn và mặn (pH phải từ 6 trở lên, độ mặn dưới 5o/oo).
2. Mùa vụ nuôi, cá giống và mật độ thả :
Ở các tỉnh Nam bộ có thể thả nuôi quanh năm. Các tỉnh có khí hậu lạnh như miền bắc nên nuôi một vụ, thả cá nuôi vào tháng 3-4 và thu hoạch cá vào trưcớ mùa đông.
Cá giống thả nuôi có kích cỡ đồng đều, trọng lượng thân từ 15-20g/con. Cá phải khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, màu sắc sáng, cơ thể cân đối, nhiều nhớt. Trước khi thả xuống ao nuôi, cá giống được tắm nước muối nồng độ 2,5-3%. Nên thả cá vào lúc trời mát, buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
Mật độ thả nuôi tại Hà Tây : 2-4 con/m2. Có thể tăng mật độ nuôi lên nếu các điều kiện như : nguồn nước, nguồn vốn, trình độ kỹ thuật… đảm bảo.
3. Thức ăn, quản lý và chăm sóc cá nuôi :
3.1. Thức ăn cho cá nuôi :
+ Thức ăn chủ yếu là là tạp biển, cá vụn, tép, cua, ốc và phụ phẩm lò mổ gia súc, gia cầm. Giai đoạn cá còn nhỏ trong 2 tháng đầu, thức ăn cần được xay nát hoặc băm nhỏ. Khi cá lớn thì chỉ cần băm nhỏ hoặc cắt khúc những lợi thức ăn có kích cỡ quá lớn hoặc dài. Khẩu phần ăn từ 3-5% trọng lượng thân (khi cá đạt cỡ >100g/con). Cá càng lớn thì khẩu phần ăn càng giảm dần.
Có thể chế biến thức ăn từ các nguyên liệu như trên xay nhỏ và trộn với cám hoặc tấm nấu chín rồi rải trên sàn cho cá ăn, trong đó cá tạp chiếm 50% trở lên. Nói chung hàm lượng đạm trong thức ăn phải đảm bảo từ 25-35% trở lên thì mới đạt được theo nhu cầu dinh dưỡng của cá. Giai đoạn đầu cho đến 2 tháng tuổi, hàm lượng đạm trong thức ăn đảm bảo 35%, sau đó giảm dần xuống còn 28%, ở các tháng cuối còn 25%. Khẩu phần ăn với thức ăn chế biến từ 5-7% trọng lượng thân.
Sàng ăn của cá có kích thước dài từ 3-4m, rộng 0,5m và đặt gần bờ, ngập sâu trong nước khoảng10cm. Khi cá ăn cá trườn lên sàn để dành thức ăn. Sau khi cá ăn và trước bữa ăn mới, nên rửa sạch sàng ăn.
Hệ số tiêu tốn thức ăn tuỳ thuộc vào chủng loại và chất lượng thức ăn. Với thức ăn là cá biển (cá tạp), hệ số thức ăn trung bình từ 3,5 - 4 (tức là cứ cho cá ăn 3,5-4kg cá tạp thì tăng trọng được 1kg cá lóc bông). Thức ăn chế biến cho hệ số thức ăn từ 3,2 - 4.
3.2. Chăm sóc cá nuôi :
Hàng ngày theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh kịp thời và hợp lý số lượng thức ăn. Hàng tháng kiểm tra cân đo trọng lượng cá để theo dõi mức tăng trưởng của cá.
Nước trong ao được thay mỗi tháng 1-2 lần, mỗi lần thay từ 30-40% tổng lượng nước trong ao.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá và kịp thời phát hiện những dấu hiệu khác lạ như cá bỏ ăn, bơi không bình thường, nhiễm bệnh… để có biện pháp chữa trị kịp thời.
4. Phòng và trị bệnh cho cá lóc bông :
4.1. Bệnh do nhiễm khuẩn : Cá bị bệnh thì da sậm lại và vết này lan ra vùng bụng và các phần khác trên cơ thể, vẩy dễ rơi rụng, mắt phù và mờ đục, xoang bụng chứa dịch, nội tạng hoại tử. Tỷ lệ chết rất cao khi cá bị sốc và thiếu dinh dưỡng.
* Phòng trị bệnh :
- Không nuôi mật độ quá cao, tránh làm cho cá bị sây sát khi kéo lưới hoặc đánh bắt kiểm tra, giữ cho môi trường nuôi không bị nhiễm bẩn do thức ăn dư thừa và từ các nguồn nước thải công nghiệp…
- Dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cá, liều dùng 10g/m3 nước cho cá nuôi, xử lý lặp lại sau 3 ngày. định kỳ tắm cho cá 2 tuần/lần.
- Hoặc dùng một trong các loại kháng sinh trộn vào thức ăn liều lượng như sau:
+ Streptomycin : 50-70mg/kg thể trọng cá nuôi, liên tục
+ Kanamycin : 50mg/kg thể trọng cá, liên tục trong 7 ngày
- Tăng cường thêm Vitamin C trộn vào thức ăn, liều lượng 20mg/kg thức ăn trong thời gian dùng thuốc trị bệnh. Cải thiện chất lượng nước, thay nước mới sạch, đảm bảo hàm lượng Oxy hoà tan trên 4mg/l.
4.2. Bệnh đóm đỏ : Cá bị bệnh là xuất huyết trên da, bụng, xung quanh miệng, nắp mang có thể chảy máu, một vài chỗ trên thân, có thể bị tuột nhớt.
* Phòng trị bệnh : Dùng thuốc tím KMnO4 3-5g/m3 nước để tắm cho cá bè. Dùng kháng sinh để điều trị như trong bệnh nhiễm khuẩn huyết.
4.3. Bệnh trùng mỏ neo : Trùng ký sinh và hút chất dinh dưỡng của cá làm viêm loét da, mang, vây, gây ra các vết thương tạo điều kiện cho các tác nhân khác gây bệnh như : nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn… xâm nhập.
* Phòng trị bệnh :
- Luôn giữ vệ sinh ao, bè cẩn thận, sạch sẽ trong quá trình nuôi
- Chọn giống kỹ và không có trùng mỏ neo đeo bám
- Trước khi thả phải tắm nước muối 3% cho cá trong 10 phút
- Khi phát hiện cá nhiễm bệnh, dùng thuốc tím 10-25g/m3 tắm trong một giờ. Có thể dùng lá xoan ngâm dưới nước liều lượng 0,3-0,5kg/m3.
4.4. Bệnh rận cá : Chúng ký sinh bám trên da cá, hút máu cá đồng thời phá huỷ da cá, làm viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm ký sinh trùng khác xâm nhập và gây bệnh cho cá nuôi.
* Phòng trị bệnh :
Khi cá nhiễm bệnh, dùng thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 10g/m3 tắm hoặc ngâm trong 1 giờ.
Kĩ sư : Hoàng Tiến Minh

Wednesday, February 22, 2012

MÔ HÌNH NUÔI BỒ CÂU

Những năm gần đây, các món ăn từ bồ câu được xem là một trong những đặc sản của quê hương, nhiều thực khách rất ưa chuộng. Từ giá trị thương phẩm, nhiều nhà nông nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nuôi bồ câu thu được kết quả khá cao.
Những năm gần đây, do nhu cầu phát triển của thị trường, những loài vật nuôi trước đây thường dùng để nuôi kiểng như gà sao, chim trĩ, hay bồ câu,… đều được nuôi khai thác lấy thịt. Nhiều hộ nông dân nắm bắt được tình hình, cũng nhanh chóng tìm tòi, nghiên cứu cách chăn nuôi thương phẩm các loài này để tăng thu nhập cho gia đình. Riêng với mô hình nuôi bồ câu, hiện nay ở ĐBSCL cũng có không ít nông dân nuôi làm kinh tế thành công. Với gia đình của ông Nguyễn Văn Chính, tại ấp Long Bình A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là người đầu tiên của địa phương nuôi bồ câu bán thịt. Mô hình đang được đánh giá khá cao, phù hợp với yêu cầu ứng dụng mô hình xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân tại đây.
Trong khi trên địa bàn xã Long Hưng hiện có nhiều bà con ứng dụng mô hình trồng ổi để phát triển kinh tế gia đình, thì ông Nguyễn Văn Chính lại chọn mô hình nuôi bồ câu. Vợ chồng ông cho biết, do hoàn cảnh đơn chiếc, 6 – 7 người con đều đã có sự nghiệp riêng, sống xa nha, ông bà chỉ có mảnh vườn để dưỡng già. Đến lúc cần một công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của mình thì ông bà đã chọn mô hình nuôi bồ câu này.
Với diện tích chuồng trại chưa đầy 100 m2, ông bà thiết kế 2 lớp chuồng lồng, nuôi được trên 120 cặp bồ câu sinh sản. Mỗi ngày ông bà chỉ bỏ ra vài tiếng đồng hồ để chăm sóc cho chúng, mỗi tháng có thể bán trên 60 cặp bồ câu thịt, thu lãi vài triệu đồng.
Với kết quả khả quan về mô hình này, lẽ ra, gia đình ông bà Chính có thể mở rộng thêm gấp 2 đến 3 lần so với hiện tại, tuy nhiên do tình trạng sức khỏe không cho phép, ông bà chỉ chăm sóc được có bấy nhiêu. Nhiều nông dân khác trong xã đến học tập kinh nghiệm, ông bà cũng sẵn sàng chia sẻ.
Ông cho biết, nếu bà con nông dân có nhiều thời gian chuyên tâm vào việc nuôi bồ câu thì hiệu quả sẽ còn tăng hơn mức của gia đình ông hiện nay. Ông cho biết, do bồ câu sinh sản nhanh, lứa cũ chưa biết tự ăn đã có lứa mới, ông bà không có thời gian bơm thức ăn cho lứa cũ nên có khi phải điều tiết cho chúng sinh sản chậm lại. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ, nên làm chuồng trị nuôi bồ câu trên nền tráng xi măng là phù hợp nhất, chuồng phải đảm bảo sạch sẽ thoáng mát , có ánh nắng rọi vào sẽ tốt cho vấn đề vệ sinh phòng bệnh vật nuôi.
Được biết ngoài thu nhập từ bồ câu, hàng tháng ông bà còn tận dụng đất vườn trồng thêm chuối cau, đu đủ, thu nhập cũng trên 2 triệu đồng; đó là chưa kể nguồn thu ổn định hàng năm gần 200 triệu đồng từ 1,5 ha vườn vú sữa Lò Rèn 7 năm tuổi này.
Bà con lân cận cũng như chính quyền địa phương cảm thấy tự hào khi giới thiệu về gương lao động của đình ông Nguyễn Văn Chính. Trước nay nhiều năm, ông bà cũng từng thành công với những mô hình như nuôi heo, nuôi dê, trồng quýt đường, trồng nhãn,… và được UBND tỉnh Tiền Giang khen tặng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền từ 1995 đến 2007. Những năm gần đây, do bệnh nên lao động cũng có phần hạn chế, vậy mà ông bà vẫn rất chí thú làm ăn, chịu khó đầu tư cho mô hình khá mới mẻ này.

Friday, February 17, 2012

Lấy thỏ nuôi... trâu, gà, vịt


 
Ở xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế, ông Phạm Quang Dũng (thôn Di Đông) được coi là một trong những người tiên phong trong chăn nuôi, đặc biệt là nuôi thỏ.
Dẫn chúng tôi đi thăm những dãy chuồng nuôi thỏ san sát nhau, ông Dũng kể: “Ba năm nay, gia đình tôi nhờ thỏ mà "phất" lên. Từ ngày nghỉ hưu, tôi cùng với vợ chăn nuôi cũng đủ ăn. Năm 2009, con trai thứ của tôi đem về 2 con thỏ nuôi chơi, thấy thỏ rất dễ nuôi, không kén thức ăn, nếu nuôi càng nhiều thì hiệu quả kinh tế càng cao, nên tôi quyết định làm 15 ô chuồng nuôi thỏ”.


Ông Phạm Quang Dũng bên đàn thỏ giống.

Từ 2 con thỏ giống ban đầu, đến nay ông đã có 150 con, trong đó có 15 con thỏ giống, 50 con thỏ thịt, 85 thỏ con. Nhờ nắm vững kiến thức về chăn nuôi, thực hiện nuôi thỏ theo chu trình khép kín, chủ động từ khâu con giống đến khi xuất bán, lại chủ động phòng tránh dịch bệnh, nên đàn thỏ phát triển khá nhanh.

Theo ông Dũng, thỏ giống nuôi 5-6 tháng thì bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm đẻ 9 -10 lứa, mỗi lứa trung bình từ 5 - 8 con. Sau 10 ngày, thỏ con mở mắt, tập ăn cùng mẹ, 25 ngày thì tách mẹ. Nuôi 3 - 4 tháng, thỏ con đạt trọng lượng trung bình 1,8 kg/con. Thỏ mẹ sau 30 ngày có thể cho giao phối lại.

Ông Dũng vừa xuất chuồng 30 con thỏ thịt, 15 con thỏ nái chuẩn bị đẻ, thu nhập 7 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, ông xuất bán từ 100- 120kg, với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg. Riêng thỏ giống giá 300.000 đồng/con. Trừ chi phí, ông lãi khoảng 6 triệu đồng. Trung bình, mỗi năm ông có thu nhập 60 triệu đồng. Tiền bán thỏ được ông đầu tư nuôi 10 con trâu, 50 con gà, 50 con vịt. Hiện gia đình ông có 4 con trâu, 20 con gà, 30 con vịt.

Ông cho biết, năm 2011 tổng thu nhập của gia đình gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng. Kế hoạch tới đây, gia đình ông tiếp tục đầu tư 50 triệu đồng mở rộng chuồng trại nuôi thỏ và 100 con gà thịt.

Theo danviet.vn

Thursday, February 16, 2012

Trang trại chăn nuôi gà của anh Ba Hưng ở xã Lộc Vĩnh

Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Phú Lộc đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi nhím, kỳ đà, heo rừng, gà sao...Tuy quy mô các mô hình còn hạn chế nhưng bước đầu đã mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà của anh Ba Hưng ở xã Lộc Vĩnh, trong khu vườn rộng, anh xây dựng 4 trại nuôi riêng biệt, mỗi trại một loại gà khác nhau; không như các trang trại khác chủ yếu là nuôi giống gà công nghiệp; ở trang trại của anh chỉ nuôi các loại gà có giá trị cao đang được thị trường yêu thích, như gà ta lai gà đá, gà Ai Cập, gà Sao, gà H’Mông...
Anh Ba Hưng cho biết: gia đình anh sống ở Đà Nẵng, sau những lần về thăm quê ngoại, thấy vườn tược rộng thoáng nhưng việc trồng cây cối hiệu quả không cao, từ đó anh nảy sinh ý tưởng phát triển các khu vườn này thành các trại nuôi gà hàng hóa, anh đã lặn lội đi tìm hiểu các trại gà trong vùng và từ năm 2010, anh bắt đầu xây dựng trang trại nuôi gà Sao ngay tại xã Lộc Vình.
Trong 2 năm 2010, 2011, mỗi lứa anh thả nuôi 1000 con gà Sao, một phần được bán gà thịt, một phần để đẻ trứng nhân giống. Một chu kỳ nuôi gà thịt là ba tháng rưỡi.
Anh cho biết gà Sao là giống có sức đề kháng cao, ít bị bệnh dịch, giá bán cao hơn gà ta 20 ngàn đồng/kg, trứng gà Sao cũng được bán với giá gần gấp đôi trứng gà ta, tức từ 5 đến 7000 đồng/cái tùy từng thời điểm. Bất cứ loại gà nào, khi bán anh đều đảm bảo nuôi đủ 3,5 tháng, theo anh gà nuôi đủ tháng thì chất lượng thịt mới thơm ngon. Vì vậy nhiều khách hàng đến mua nhưng do chưa đủ tháng nuôi anh đều từ chối bán.
Từ cuối năm 2011, anh đã đầu tư mở rộng quy mô nuôi, ngoài gà Sao anh đã đưa về thêm các loại giống mới có giá trị kinh tế cao như giống gà ta lai gà đá, gà Ai Cập, gà H’Mông...giống gà H’Mông có đặc điểm là chân có 5 móng, nhiều hơn các loại gà khác một móng, ngoài giá trị dinh dưỡng cao trong Đông y còn được dùng làm bài thuốc chữa bệnh. Ngoài ra anh còn đầu tư mua một máy ấp trứng với công suất 1500 trứng để tạo con giống cho trang trại và cung cấp cho các hộ nuôi khác.
Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết thời gian đầu mở trại nuôi anh chưa hiểu biết nhiều nên gặp không ít khó khăn, tuy nhiên sau thời gian nuôi cho thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao và rất thích hợp để phát triển mạnh ở các vùng đất còn diện tích đất đai rộng rãi, thoáng đãng như tại Lộc Vĩnh này, anh cũng sẳn sàng hỗ trợ giúp đỡ mọi người về giống, kỹ thuật để cùng phát triển mô hình chăn nuôi này...
Hiện nay trang trại của anh đang nuôi hơn 1000 con, chủ yếu là gà đẻ, trong đó có hơn 200 con gà Sao, 400 con gà Ai Cập, 200 con gà Mông và gần 250 con gà ta. Anh cho biết, giá gà ta, gà Ai Cập tuwong đương nhau, còn gà H’Mông và gà Sao thì đắt hơn một ít; qua thực tế nuôi, anh cho biết: cứ thả nuôi 1000 con, sau khi trừ các loại chi phí khoảng 80 triệu đồng, phần lãi ròng còn hơn 40 triệu đồng, với gà Sao thì lãi còn cao hơn, ước tính trên 50 triệu đồng, do giống gà này dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn đa dạng, thời gian đầu ăn thức ăn chế biến sẵn còn khi gà đã lớn cho thêm các loại thức ăn khác sẵn có , chủ yếu là rau, bèo...vừa dễ mua, vừa rẻ tiền.
Ông Bùi Ngọc Ga - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thì cho biết: Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện các mặt để hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi mơi hiệu quả cao và đề nghị Nhà nước bằng các chương trình khuyến nông để hỗ trợ người dân chuyển đổi vật nuôi có giá trị cao nhằm giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân trong khu KT Chân Mây-Lăng Cô khi mà đất đai sản xuất nông nghiệp ngày càng bị bó hẹp do thu hồi để xây dựng các dự án... Mặt khác, các loại vật nuôi đặc sản này còn là nguồn thực phẩm chất lượng cao, an toàn để cung cấp cho các nhà hàng, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với vùng đất này.
Anh Ba Hưng còn cho biết thêm: Thời gian đầu, do chưa quen với thị trường nên việc tiêu thụ gặp khó khăn, tuy nhiên từ cuối năm 2011, sau khi biết các giống gà anh nuôi đều cho chất lượng thịt thơm ngon, gà xuất chuồng đúng thời gian, đảm bảo an toàn sạch bệnh... nên nhiều khách hàng là các nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng, Lăng Cô đã tìm đến mua với số lượng lớn.
Không dừng lại ở đây, anh đang chuẩn bị xây dựng một trang trại mới ngay tại xã Lộc Vĩnh để mở rộng quy mô nuôi lên khoảng 20 ngàn con/ năm với vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng.
Bài, ảnh: Văn Nhân

Tỷ phú rắn ri voi


(Dân Việt) - Khắp tay chân cựu chiến binh Lê Hùng Minh đầy thẹo, không phải vết bom đạn của những ngày còn phục vụ quân đội mà do... rắn cắn. Sau bao vất vả, anh đã thành tỷ phú nhờ con vật không ai thích gần gũi này.

Đổi đời từ những con rắn còn sót lại
Trở về từ những cuộc chiến đấu ác liệt, sau hơn 20 năm phục vụ đất nước, năm 1992 anh Năm Minh (tên thường gọi của Lê Hùng Minh-t hương binh 3/4, ở khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) trở về quê bắt đầu cuộc mưu sinh. Chỉ với 2.000m2 đất ruộng không màu mỡ (dành 200m2 cất nhà), cũng như bao gia đình nông dân khác, vợ chồng anh và hai con nhỏ bắt tay ngay vào thực hiện các mô hình lúa – cá, cua; lúa – tôm nhưng vẫn trầy trật với cái ăn.
Anh Minh chăm sóc đàn rắn ri voi.
Năm 1996, khi các tỉnh ĐBSCL rộ lên phong trào nuôi trăn thịt, trăn đẻ, anh cũng dốc hết vốn liếng, vay mượn người thân, bạn bè được tổng cộng 150 triệu đồng mua 70 con trăn thịt về nuôi làm giống sinh sản. Trăn vỗ béo chuẩn bị phủ nọc, cầm chắc lời vài chục triệu đồng, đùng một cái, giá trăn thịt đột ngột giảm từ 150.000 đồng/kg xuống còn 20.000–25.000 đồng/kg và trăn con từ 100.000 đồng/con rớt xuống còn 5.000 đồng/con.
Anh chạy đôn đáo bán trăn con nhưng không ai mua, thậm chí cho không cũng chẳng ai nhận. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm, vay mượn bỗng chốc thành mây khói. Thế là trắng tay với một món nợ khổng lồ. Không nản chí, anh lại rong ruổi tìm hiểu thị trường chuẩn bị làm ăn mới.
Thời điểm ấy, ở quê anh nhiều người đổ xô vào nuôi tôm sú thì anh lại nuôi rắn ri voi bởi anh nghĩ, số lượng rắn ri voi trong môi trường tự nhiên không còn nhiều. Từ suy nghĩ đó, năm 1998 anh “liều mình” chạy nợ, vay mượn người thân trên 100 triệu đồng, mạnh dạn đầu tư đào ao, xây tường cao 2m trên diện tích 1.700m2 và bắt tay vào làm cái chuyện ngược đời: Nuôi rắn ri voi.
Anh tận dụng lu, hũ có sẵn trong nhà và đặt thương lái mua 1.200kg rắn giống ri voi (loại 200 – 400g/con – khoảng 7.000 con). Anh nghĩ có lẽ đây là lần thử thời vận cuối cùng, hy vọng con rắn ri voi sẽ không bạc đãi mình. Nhưng đúng là “gian nan thử sức”, do nguồn con giống trôi nổi, chất lượng kém nên chỉ sau 2 tháng nuôi, đàn rắn đã lủi đầu vào bờ chết trên 6.000 con, gần một tấn rắn coi như tiêu.
Tình cảnh của anh lúc bấy giờ thật bi đát, nhất là số nợ vay trả lãi mỗi ngày gần 200.000 đồng. “Nợ nần chồng chất, thất bại nối tiếp thất bại khiến tôi không dám đi đâu, tưởng chừng không gượng dậy nổi” - anh nhớ lại. Còn nước còn tát, anh cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng số rắn còn lại.
Vốn là một y sĩ quân y nên anh không để yên cho mấy xác rắn, anh đã phẫu thuật và tìm ra được nguyên nhân: Rắn chết hàng loạt là do con người. Anh giải thích: “Rắn ri voi ở ngoài đồng là loài hung dữ nên khi bắt rắn thường bị đập, xung điện và một số thương lái chích nước vào thân cho nặng ký”.
Tháng Bảy mưa dầm quê anh buồn lắm, anh đi dạo quanh ao nhưng thật bất ngờ, mép ao xuất hiện rất nhiều rắn ri voi con. Từ đây, anh bắt đầu nghĩ đến việc cho rắn sinh sản lấy con giống. Cuối năm đó, số rắn còn sót lại thu hoạch được 350kg, định bán đi trả bớt nợ nhưng nghĩ tới cảnh phải chầu chực mua rắn giống trôi nổi, chất lượng không đảm bảo nên anh bấm bụng để lại gầy giống. Kẹt tiền, anh chạy đi moi đầu này, lắp đầu kia. Và cuộc đời anh nông dân – thương binh này sang trang mới nhờ những con rắn ri voi còn sót lại trong ao.
“Bén duyên” với rắn ri voi
Vừa nuôi rắn, anh vừa ngược xuôi lên xuống Cần Thơ, Vĩnh Long học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Từ những điều học hỏi được, anh cải tạo mô hình hoàn chỉnh hơn, phù hợp với môi trường tự nhiên. Dưới ao, anh trồng lục bình và xây dựng ở giữa ao một cù lao để rắn ri voi trú ẩn khi lột da, bởi qua nghiên cứu anh biết loài rắn này thích hợp sự yên tĩnh, ấm mùa đông, mát mùa hè để phòng bệnh viêm phổi và ngoài da. Vừa nuôi rắn thương phẩm, anh vừa học “đỡ đẻ” cho rắn ri voi. Rắn ri voi không ấp trứng mà đẻ con.
Qua một năm “đỡ đẻ” cho rắn ri voi, Năm Minh nắm được cả chu kỳ sinh sản của chúng. Lứa rắn đẻ đầu tiên, anh nuôi hết. Mùa tết năm 2000, anh Minh thắng lớn, xuất sang Trung Quốc trên 500kg rắn thịt, thu lãi gần 120 triệu đồng. Cuối năm 2001, Năm Minh thở phào nhẹ nhõm khi trả xong tất cả nợ nần nhờ trúng mùa rắn với lãi ròng gần 300 triệu đồng. Anh bắt đầu “bén duyên” với rắn ri voi.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Minh kể lại những ngày theo lái xuất rắn đi Trung Quốc: “Nghe nói người Trung Quốc rất thích ăn rắn vào mùa đông, nhất là rắn ri voi, tôi đi thử vài chuyến. Dù chỉ bán bên này biên giới nhưng giá đã 400.000 đồng/kg, sang Trung Quốc giá 1 triệu đồng/kg”.
Hiện nay, nuôi rắn là một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, thị trường lúc nào cũng khan hiếm. Nhờ vậy mà những năm gần đây, mỗi năm anh Minh xuất bán trên 4 tấn rắn thịt, nuôi 4.000 rắn nái đẻ, cung cấp khoảng 130.000 rắn giống theo đơn đặt hàng, thu về trên tỷ đồng.
Cũng theo lời Năm Minh, nuôi rắn hầu như chẳng tốn công sức gì. Mỗi ngày 2 lần đi dạo quanh ao xem rắn có gì khác lạ không. Nếu thấy biểu hiện lạ thì thay nước, toàn làm bằng máy móc cả nên chẳng vất vả gì. Rắn ri voi thích hợp nhiệt độ 25 – 30 độ C. Rắn mới đẻ nuôi 1 năm đạt trên 1kg. Rắn ăn cũng hết sức đơn giản, chỉ cần đổ cá còn sống xuống ao, rắn sẽ tự bắt để ăn (chủ yếu là cá trê, lươn, bởi rắn ri voi không ăn cá có vảy).
“Trước hết phải có chí, bền bỉ, quyết tâm. Yếu tố quan trọng thứ hai là kỹ thuật, con bố mẹ phải thật tốt. Nếu hội đủ các điều kiện trên nhất định sẽ thành công, tỷ lệ rủi ro chỉ còn 5 – 10%”.
Rắn 1kg có thể ăn được con mồi 1,5kg, mật độ nuôi 7 – 15 con/m2. Rắn 1 năm tuổi bắt đầu sinh sản, con cái nặng 3kg có thể đẻ 40 rắn con (mùa đẻ từ tháng 7 – 9 âm lịch). Trừ mọi chi phí, một con rắn nuôi cho lời thấp nhất 130.000 đồng/kg, mùa đông trên 300.000 đồng/kg.
Mặc dù nuôi hàng ngàn con rắn đẻ, nhưng chỉ một tay anh quán xuyến mọi chuyện, chị Thủy - vợ anh thì tất bật với quán lẩu rắn, hai con trai anh tốt nghiệp ngành thủy sản Đại học Cần Thơ đều đã đi làm. Từ đôi tay trắng gầy dựng, từ hai lần sạt nghiệp nợ nần, cuối cùng, con rắn ri voi đã giúp Lê Hùng Minh nên cơ nghiệp.
Làm giàu trong gian khó nên anh rất thương người nghèo, nhiều người được anh cưu mang cho mượn đất cất nhà, cho mượn vốn làm ăn. Không hề giấu nghề, anh Minh sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho người dân có nhu cầu nuôi rắn thương phẩm

Lập nghiệp bằng mô hình chăn nuôi hỗn hợp

Trong khi nhiều thanh niên nông thôn tìm cách đi làm ăn xa thì Phạm Nguyễn Hữu Tiến (26 tuổi), ở xã Phú Thanh, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết tâm gắn bó và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê mình bằng mô hình chăn nuôi hỗn hợp.
Học xong THPT, Tiến không chọn con đường thi vào ĐH, CĐ, hay THCN như các bạn cùng quê mà xin được ở nhà làm kinh tế. “Nhiều người quan niệm cứ phải vào ĐH, CĐ hay phải học lấy một nghề nào đó thì mới thành công nên không còn mặn mà với ruộng đồng. Nhưng đâu phải ai cũng thành công với quan niệm ấy”, Tiến cho hay. Với suy nghĩ “khó khá lên được nếu chỉ làm ruộng”, Tiến bắt đầu tìm tòi, học hỏi và ấp ủ ước mơ làm kinh tế.
Tận dụng lợi thế đất nhà rộng, Tiến đầu tư làm chuồng trại nuôi gà kiến, ngan, lợn nái, chim bồ câu và thỏ. Bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật nuôi, nhưng bằng tinh thần “có khó khăn mới thành công”, Tiến đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học. Ngoài ra, Tiến còn lặn lội tìm vào các trang trại ở tỉnh Gia Lai để học tập kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, mô hình của Tiến ngày càng hoàn chỉnh quy trình và từng bước mang lại kết quả.
 
Mô hình chăn nuôi hỗn hợp của Tiến lúc nào cũng có hơn 100 gà đẻ, 100 gà thịt, 150 gà con (tự ấp nở), 100 thỏ đẻ, 50 thỏ thịt, 60 thỏ con, 80 cặp bồ câu bố mẹ, 40 cặp bồ câu ra ràng, 30 con ngan và 5 lợn nái. Trung bình mỗi năm Tiến thu nhập từ trang trại của mình gần 500 triệu đồng. Bên cạnh việc chăn nuôi, Tiến còn thể hiện vai trò của một nông dân thực thụ khi trực tiếp sản xuất 3 ha lúa với sản lượng từ 15-18 tấn và thu từ lúa hơn 100 triệu đồng/năm.
Là một ông chủ trại với mô hình phát triển kinh tế bề thế, Tiến còn là một cán bộ Đoàn nhiệt tình, năng nổ luôn được đoàn viên, thanh niên tin yêu, mến phục. Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong việc sản xuất kinh doanh, Tiến luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật cho nhiều thanh niên ở các địa phương lân cận đến tìm hiểu về mô hình.
Nói về tạo việc làm cho thanh niên tại quê nhà, Tiến trăn trở: “Thanh niên nông thôn hiện rất khó khăn về nguồn vốn để lập nghiệp, nên thường phải bươn chải vào nam hay ra bắc làm thuê. Tạo việc làm cho thanh niên nông thôn trước hết cần phải có chính sách hỗ trợ về vốn để họ có đồng vốn ban đầu, có như vậy họ mới có thể mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương của mình”.
Minh Phương

Wednesday, February 15, 2012

Nhà nông làm giầu - Triệu phú từ nghề nuôi ba ba

Bảy Trọng chợt rùng mình khi nhắc đến 5 lần thất bại liên tiếp với nghề nuôi ba ba. Trời không dám đùa với kẻ liều, đến lần thứ 6, anh thắng lớn, lãi ròng đầu tay thu về gần 500 triệu đồng.


Ông bà ta có câu “quá tam ba bận”. Đằng này, đến 5 lần thất bại te tua, sao không nản lòng? Bật cười khà khà với chất giọng rặt Nam Bộ, Bảy Trọng lý sự: “Nếu bỏ cuộc làm gì có ngày hôm nay để nói đây?”. Anh chợt hạ giọng: “Chưa nghe ai nuôi ba ba gặp thất bại ê chề như tui. Nhưng nhờ “dzậy” mà bây giờ tui có thêm nghề… viết sách hướng dẫn nuôi ba ba nè”. Đoạn Bảy Trọng quày quả chạy vào nhà, lấy ra tập giấy học trò ghi chi chít những thông số kỹ thuật về ba ba khoe: “Tui sẽ in thành sách cho bà con mình đọc, để học mà nuôi”.
Học phí trả bằng nước mắt
Trường hợp của “triệu phú ba ba” Bảy Trọng là một trong những điển hình thành công trong lĩnh vực đầu tư này. Song với Bảy Trọng, để có được danh hiệu “triệu phú ba ba” như hôm nay, anh đã mất biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu. Đặc biệt, sau lần thất bại thứ 5, vợ con anh quyết định bỏ lên Sài Gòn. Không ai chấp nhận ông chồng mần ăn thất bại liên tục mà không sáng thêm chút nào như vậy. Tui năn nỉ thử lần cuối, đào hồ mới để nuôi. Và đó cũng chính là bài học đầu tiên của một “hai lúa” làm kinh tế: ba ba chết hàng loạt trong bao năm qua bởi nguồn nước nuôi bị ô nhiễm nặng từ hóa chất ở xưởng làm hàng xuất khẩu song mây bên cạnh.
Với ông Ba ở Cần Thơ thì thất bại bởi lối làm ăn của “anh mù đi phá rừng”. Do không có người thu mua ba ba, ông mang sang Quảng Đông, Trung Quốc để bán. Không biết cách đóng gói, ba ba mang đến nơi hoặc trầy xước rất thê thảm hoặc ngộp chết hàng loạt phải thuê người đi chôn. Sau ba vụ, vốn liếng bay sạch. Lần “thử thời vận” sau cùng lại mang về cho ông món lãi 300 triệu đồng. Học lóm cách đóng hàng của người Tàu, để khi vận chuyển đến nơi, ba ba khoẻ mạnh, không bị trầy xước. Đánh liên tục trên 20 chuyến, ông thu về non 4 tỉ bạc. Đến nay, ông Ba là một trong những nhà cung cấp ba ba lớn nhất nước.
Đến nay, cả Bảy Trọng và ông Ba đã trở thành những triệu phú nuôi ba ba của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nắm vững kỹ thuật và biết cách nuôi xen kẽ, gần 10 năm qua, họ chưa bao giờ lặp lại tình trạng ba ba chết hàng loạt không rõ lý do như trước.
Ước mơ bay xa với ba ba
Bỏ ra 10 triệu đồng mua con giống, chi phí chuồng trại khoảng 20 triệu, sau một năm, nếu “thuận buồm xuôi gió”, lãi thu về trên 100 triệu. Một chủ trại nuôi ba ba lớn nhất nhì tỉnh Bình Dương khẳng định. Trước đây, một con ba ba giống giá trung bình 10-12.000 đồng, nay chỉ còn 5-7.000 đồng. Sau 12-15 tháng nuôi, trọng lượng trên 1kg/con, giá bán ra khoảng 100.000 đồng/kg.
Trieu phu tu nghe nuoi ba ba
Theo ông Phan Huy Ích, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã (Chi Cục Kiểm lâm TP.HCM), tuy là động vật hoang dã, nhưng so với cá sấu và đà điểu, ba ba thuộc diện dễ nuôi, vốn đầu tư thấp nhất nhưng thời gian thu lãi nhanh và thị trường cực kỳ ổn định. Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý vào thị trường nội địa, nghề nuôi ba ba khó để mở rộng được.
“Xuất khẩu sang Trung Quốc, dù bị ép giá, nhưng vẫn cho thấy hướng phát triển của nó!”, một “đầu nậu” chuyên thu gom ba ba xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nhận định Theo một số người chuyên thu mua ba ba xuất khẩu, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những thị trường đầy tiềm năng cho ba ba xuất ngoại, giá cả có giảm hơn so với những năm trước, nhưng đổi lại, số lượng bán ra rất lớn.
Được biết, 30% sản phẩm ba ba của doanh nghiệp Việt Hùng đã xuất đi các nước này. Mấy năm qua, Công ty Việt Hùng cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 1.000 hộ và trang trại nuôi ba ba tại đồng bằng sông Cửu Long. Trung bình mỗi năm, công ty xuất đi hàng trăm tấn thịt ba ba. Trong đó, có công ty mua số lượng lớn để bào chế dược phẩm.
Theo dự báo của chuyên gia kinh tế, vì những công dụng bổ dưỡng từ thịt ba ba đã được khoa học chứng minh, xu hướng bào chế dược phẩm bằng thịt ba ba đang được nhiều công ty sản xuất dược ở các nước chú ý. Với các nhà nuôi ba ba, khi trao đổi với chúng tôi, họ mong ước làm sao để ký được những hợp đồng lớn với các nước.
Mang băn khoăn của các nhà đầu tư nhỏ này bỏ lên bàn của một chuyên gia xúc tiến thương mại, ông H.B cho hay, để ba ba xuất ngoại với số lượng lớn, nhà đầu tư phải điều chỉnh chi phí nuôi để giảm giá thành sản phẩm. Và chú ý trọng lượng khi xuất chuồng. Các nước thích ba ba nặng trên 1kg, giá thành sẽ cao hơn, trong khi người dân mình theo thói quen tiêu dùng trong nước, xuất ao con nhẹ dưới 1kg, nên bán không được giá lắm.
Nước chảy về chỗ trũng
Cách đây 13 năm, ông Tư (Bình Dương) đột ngột chặt hết vườn cây ăn trái rộng 12.000 m2 để đào ao thả 2.400 con ba ba. Do chưa có kinh nghiệm, hết vụ, ba ba chết hết 2/3, trừ mọi chi phí, gia đình ông vẫn lãi 55 triệu đồng. Sau thời gian bỏ công mày mò đèn sách, ông kết luận, nước phải chảy về chỗ trũng. Nếu không chịu khó tìm hiểu chuyên sâu, đọc sách, tham khảo chuyên môn của kỹ sư thủy sản… thì đầu tư hoài cũng như nước chảy tràn trên đồng.
Thức ăn để nuôi ba ba thông thường là tôm, cá, giun đất, ốc… chiếm 3-5% khối lượng ba ba nuôi. Theo ông Tư, ba ba nhiễm bệnh thường do nguồn thức ăn không tươi, nguồn nước không sạch. Ao nuôi ba ba phải đào sâu đúng chuẩn 70-80 cm. Nếu thấy ba ba trèo lên hai bờ hồ, tức là nguồn nước đã bị ô nhiễm. Thay nguồn nước mới, khử trùng bằng vôi bột, không nên dùng nhiều hóa chất tẩy rửa hồ, ba ba sẽ bị ảnh hưởng chậm phát triển.
Trieu phu tu nghe nuoi ba ba
Ông Tư từ chối tiết lộ mức lãi ròng mỗi năm, nhưng ước tính với lượng ba ba hiện có trong ao, mỗi năm ông thu về xấp xỉ 200 triệu đồng.
Không thể phủ nhận đây là một nghề ăn nên làm ra, song tỉ lệ rủi ro cũng không ít vì ba ba rất dễ nhiễm bệnh. Các nhà đầu tư tay ngang thường phải trả giá cho những vụ đầu, nhưng cho đến nay, chưa thấy ai bỏ cuộc vì những lỗ lã ban đầu cả. Trong nạn dịch cúm gia cầm, nuôi ba ba đang là mô hình đầu tư mang lại nguồn lợi nhuận an toàn nhất.
Tiềm năng xuất khẩu ba ba
Sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… ước tính trên 1.500 tấn/năm.

Nuôi tắc kè thâm canh

Tắc kè là nguồn dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay nguồn tắc kè trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nên việc phát triển nuôi tắc kè tại hộ gia đình mang lại nhiều lợi ích và rất cần thiết.

Hiện nay, tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai mô hình nuôi nuôi tắc kè tại gia đình, bước đầu cho kết quả tốt và được người dân hưởng ứng.
Tắc kè là nguồn dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay nguồn tắc kè trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nên việc phát triển nuôi tắc kè tại hộ gia đình mang lại nhiều lợi ích và rất cần thiết.
Tắc kè trông giống như con thạch sùng nhưng to và dài hơn. Chúng thường sống trong những gốc cây, hốc đá, kẽ hở tường nhà. Tắc kè đực kêu thành tiếng, còn tắc kè cái không biết kêu.
Tắc kè cái trưởng thành ở 12 tháng tuổi và bắt đầu đẻ trứng. Nếu cho ăn uống đầy đủ, một tắc kè cái có thể đẻ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa đẻ hai trứng. Tắc kè không ấp trứng, thời gian trứng nở từ 85-100 ngày, tùy nhiệt độ môi trường. Khi nở tắc kè con chui ra khỏi trứng và hoạt động ngay.
Tắc kè thường kiếm ăn vào buổi tối và trong môi trường yên tĩnh. Mồi của tắc kè là sâu bọ, cào cào, châu chấu, bướm, cánh cam, chuồn chuồn, nhện, dế mèn, mối, gián, ong... Chúng không ăn con mồi chết và ruồi nhặng. Tắc kè có thể nhịn ăn, uống dài ngày, mùa rét có thể nhịn ăn bốn tháng.
Tính ra, nếu một gia đình nuôi bốn thùng tắc kè, mỗi năm có thể thu 150 con. Sau 7-8 tháng nuôi, giá bán khoảng 40.000 đồng/con, trừ chi phí đóng chuồng mua giống còn lãi 4,8 triệu đồng. Nuôi tắc kè không tốn thức ăn mà lại diệt được những loại côn trùng phá hoại mùa màng.


Nuôi tắc kè theo phương pháp dã sinh
Do việc khai thác quá mức nên số lượng tắc kè ngoài thiên nhiên giảm sút nhanh chóng, nên việc nuôi nó để chủ động sử dụng là điều cần thiết. Dưới đây là phương pháp nuôi tắc kè dã sinh, là đề tài nghiên cứu khoa học và thực nghiệm đã thành công.

I. Chế tạo bọng
Bọng làm hình trụ, bằng một khúc gỗ dài 130 cm, đ-ờng kính từ 22 cm trở lên, gỗ gì cũng được miễn là đảm bảo độ bền, không thấm nước, mục ải, mọt, nứt nẻ, cong vênh.
Cách làm: Cắt một mạch cưa ngang khúc gỗ, cách đáy trên 10 cm, sâu vào thân 2/5 đường kính. Dọc một đường cưa từ đáy dưới lên, tách 2 phần ra, mảnh nguyên có bề dầy 3/5 để làm thân bọng; Mảnh phụ có bề dày 2/5 để làm cửa đóng mở, mảnh phụ lại cắt rời một đoạn phía đáy dưới 20 cm cho dễ chế tạo, khi làm xong sẽ đóng ốp lại với mảnh nguyên làm thân bọng.
Mảnh phụ khoét cong hình lòng máng. Mảnh nguyên khoét rỗng theo độ tròn thân cây, có độ dài 100 cm và đường kính là 14 cm, làm 2 gờ để ngăn khoang rỗng làm 4, một gờ ngang thân bọng, một gờ dọc thân bọng, bề dầy của gờ 2 cm, bề cao 3 cm.
Làm 2 cửa cho tắc kè ra vào. Đáy giữa khoét một lỗ hình phễu, miệng phễu ở phía chính giữa mảnh có chiều dài 20 cm cắt ra từng mảnh phụ, còn đáy phễu xuyên thẳng vào ruột bọng, miệng phễu có đường kính 10 cm, đáy phễu có đường kính 5 cm.
Phía đáy trên của bọng là một cửa sổ có kích thước: 5 x 10 cm, có cánh cửa lùa để tuỳ ý mở to, nhỏ hay đóng lại. Hai cửa làm hai phía đối diện nhau, cửa hình phễu phía trước, cửa sổ phía sau, mùa hè mở cả 2 cửa cho thông gió, thoáng mát, mùa đông đóng cửa sổ cho ấm.
Dùng bản lề loại 10 cm gá lắp cánh cửa với thân bọng, đóng nắp che mưa, đóng đinh làm dây treo bọng và đinh buộc dây cánh cửa
II. Huấn luyện giống
1. Chọn giống
Phương pháp nuôi bán dã sinh có thể áp dụng với bất cứ con tắc kè nào, tuy nhiên vì mục đích để phát triển nhanh thì cần chọn giống tốt, loại I (không già quá), loại II có đuôi nguyên sinh hoặc tái sinh đã dài.
Kích thước: Con loại I có chiều dài thân đo từ mõm đến lỗ huyệt từ 14 cm trở lên (đo phía bụng). Con loại II có chiều dài từ 11,5 cm đến 13,5 cm.
2. Cách nhận biết con dực và con cái
Cầm con tắc kè ngửa bụng, giữ cho tư thế nằm yên và thẳng, xem các dấu hiệu sau:
a. ở con đực gốc đuôi phồng to, lỗ huyệt lồi có gờ cao, còn con cái gốc đuôi thon, lỗ huyệt lép hơn.
b. Dưới lỗ huyệt có hai chấm gọi là chấm dưới huyệt. ở con đực chấm dưới huyệt to như hạt gạo, lồi và rất đen, còn con cái mờ và lép.
c. Dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái bóp vào chỗ phồng to của gốc đuôi, nếu là con đực thì có gai giao cấu lòi ra mầu đỏ thẫm, con cái không có.
3. Chuồng huấn luyện
Chuồng là một khung nhà đặt dưới bóng mát của tán cây, chuồng bọc lưới thép hay lưới nilông có cỡ mắt 3 x 4 mm, hoặc là một gian nhà xây có trần, nhiều cửa sổ được thưng bằng loại lưới kể trên, chuồng đủ độ sáng và thoáng mát, trong chuồng treo các bọng nhân tạo đặt cách nhau từ 30 cm trở lên, đáy bọng cách mặt đất tối thiểu là 1 m. Với một chuồng có kích thước: 3 x 6 x 3 m có thể treo 50 bọng và huấn luyện 500 con một lúc.
4. Cách huấn luyện
Con giống được thả vào chuồng, thức ăn nuôi nó là các loại côn trùng như: châu chấu, gián, dế mèn, cánh cứng, chuồn chuồn, bướm, sâu non v.v ... trong chuồng có máng gỗ hoặc máng tre đựng nước cho tắc kè uống, cho ăn vào quãng 17 giờ hàng ngày, mỗi con khoảng 6 gam thức ăn (tương đương 4 con châu chấu).
Ban ngày thấy những con không chịu chui vào bọng thì dùng que xua đuổi hoặc bắt thả vào bọng, có thể dùng các thứ gõ đập phát ra tiếng động mạnh hoặc té nước làm cho chúng sợ phải chui vào. Khi nào thấy tắc kè ban ngày chui vào bọng trú, đêm ra ngoài rình mồi hoặc ban ngày bám ở ngoài bọng khi thấy người liền chạy thụt vào bọng thì lúc đó có dấu hiệu đã thuần thục. Có một số con không thích ứng được biểu hiện là biếng ăn, không vào bọng, gầy và kém hoạt động thì cần loại ra.
Huấn luyện như cách trên là áp dụng cho số lượng con giống có nhiều, còn nếu ít thì chỉ cần cho con giống vào bọng, lấy mạng lưới che cửa sổ và cửa hình phễu. Khi gắn kết nhớ để một lỗ để hàng ngày có thể đút mồi vào được.
Bọng dựng hơi nghiêng, hàng ngày thả mồi cho ăn và dội nước vào cửa hình phễu cho tắc kè uống. Thời gian nuôi như vậy tối thiểu là 2 tháng, sau đó đem treo ra rừng như trường hợp chung.
Việc huấn luyện giống chỉ áp dụng đối với những con tắc kè mới bắt ở ngoài rừng về nuôi, còn đối với những con đã nuôi theo phương pháp bán dã sinh được chọn ra để làm giống thì không cần huấn luyện nữa, nh-ng vẫn phải áp dụng theo nguyên tắc về thời gian "chuyển giống ra rừng".
III. Chuyển giống ra rừng
Chọn những con đã thích ứng với bọng nhân tạo ghép 1 con đực với 2 con cái hoặc 1 con đực và 1 con cái vào bọng, dùng lưới thép hoặc lưới nilông cỡ mắt 3 x 3 mm bịt cửa hình phễu và đóng cửa sổ lại, đem bọng ra rừng treo. Thời gian tốt nhất là khoảng tháng 12 hoặc tháng 1 dương lịch, sau khi treo lên cây được 10 đến 15 ngày thì gỡ mạng che cửa hình phễu và hé mở cửa sổ.
Rừng chọn để nuôi tắc kè là rừng cây trên núi đất, ít có hang bọng tự nhiên, độ tán che từ 50% trở lên; Chọn những cây có đ-ờng kính trên 20 cm và có cành lá xum xuê thân cong queo nhiều cành nhánh, có dây leo um tùm càng tốt. Cự ly giữa các cây treo bọng từ 5m trở lên, mỗi ha treo khoảng 20 bọng, treo cao chừng 4 m cách mặt đất và cần tránh hướng có ánh nắng chiếu vào bọng.
Chăm sóc và bảo vệ: Sau khi treo bọng ra rừng và đã mở cửa cho tắc kè tự do ra vào, không cần quan tâm đến việc ăn uống của nó, nh-ng theo định kỳ mỗi tháng một lần mở cửa bọng làm vệ sinh, xua đuổi kiến và chuột hay vào chiếm chỗ. Kẻ thù của tắc kè là: cầy, mèo (mèo rừng và mèo nhà), rắn, bìm bịp và đặc biệt là cú mèo - kẻ thù nguy hiểm nhất.
Nuôi tắc kè không khó, ít tốn công, ít vốn, lại là một phần thu lợi, vừa là một thú vui trong gia đình.
KS. Vũ Thanh Tịnh

nghề nuôi cá rô đồng một hướng đi mới của nông thôn ngày nay

Hiện nay, mùa lũ đã về vùng Đồng Tháp Mười. Đó cũng là lúc bà con ở đây bước vào vụ cá trong năm. Ngoài đánh bắt tự nhiên, từ nhiều năm nay, bà con ở đây đã phát triển nghề nuôi cá ao, cá ruộng với diện tích mặt nước lên đến hàng trăm ngàn hecta.

Mùa lũ về là lúc nông nhàn, lại có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào nên rất thuận lợi cho việc nuôi cá. Đối tượng được ưa thích của bà con hiện nay là con cá rô đồng, một loài cá bản địa, có đặc tính sinh sản mạnh, dễ nuôi và có chất lượng thịt rất ngon. Những năm trước, người chăn nuôi thường gặp thất bại khi không chủ động về vấn đề con giống. Thường thì con giống được đánh bắt ngoài tự nhiên nên kích cỡ không đều, lại bị trầy xước… nên dễ gây bệnh và chậm lớn, năng suất rất thấp.

Vài năm nay, với sự giúp sức về kỹ thuật của ngành thuỷ sản, nhiều bà con đã tự cho cá rô đồng đẻ được, từ đó chủ động trong khâu tuyển lựa giống, một trong những khâu quan trọng nhất quyết định đến năng suất cá nuôi.
1
Cá rô đồng là loài cá bản địa, có chất lượng thịt rất ngon.

Cá rô đồng, một giống cá năng suất cao

Năm 2006, được sự giúp đỡ của Trung tâm Thuỷ sản Long An, anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng, đã được chuyển giao toàn bộ “qui trình” nhân giống và nuôi cá rô đồng trong ao. Anh đã thử nghiệm trên diện tích 1.800 mét vuông ao. Chỉ hơn 4 tháng nuôi, anh thu hoạch được 12 tấn cá thịt, trọng lượng trung bình 4 - 5 con/kg, với giá bán 25.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh Dũng lãi 170 triệu đồng.

Đánh giá về mô hình nuôi cá rô của anh Dũng, kỹ sư Võ Thành Hổ, trưởng trạm thuỷ sản Đồng Tháp Mười cho biết: “Đây có thể xem là năng suất cao nhất trong vùng. Từ mô hình của anh Dũng cho thấy, nếu chủ động được giống, nguồn vốn cho thức ăn, cộng với một ít kinh nghiệm thì rất nhiều hộ dân ở Đồng Tháp Mười có cơ hội thoát nghèo”.

Anh Dũng cho biết: “Nuôi cá rô đồng dễ lắm. Giống thì ương được rồi, cá rô thì phù hợp với vùng này lắm, giờ chỉ còn vốn. Mà cá này ngộ lắm, đến lúc cuối khi cá phát triển mà không có tiền cho ăn thì lỗ chắc, vì cá sẽ bị “chai” rồi không lớn luôn. Bởi vậy mà nếu được giúp đỡ, người dân đủ vốn cho thức ăn trong giai đoạn quyết định này là coi như ăn chắc”. Từ thành công ở vụ cá đầu tiên, anh Dũng đang mở rộng diện tích ra 2 hecta, hiện cá đã được hơn 1 tháng tuổi. Không những thế, từ mô hình của anh Nguyễn Văn Dũng, chỉ riêng xã Vĩnh Đại đã có trên 70 hộ dân cũng đang phát triển nghề nuôi cá rô đồng.

Phòng bệnh cho cá rô

Mặc dù là loài cá giỏi sống trong môi trường khắc nghiệt, song con cá rô khi nuôi với mật độ cao trong ao thì cũng hay phát sinh một số bệnh như: Xuất huyết, bệnh đường ruột, bệnh tuột nhớt, và một vài bệnh khác… Các bệnh này chủ yếu do môi trường nước xấu mang lại.

Chính vì vậy, trong quá trình nuôi, cần chú ý giữ cho nước trong ao thật tốt để phòng bệnh cho cá, nhất là ở giai đoạn giữa vụ trở đi, vì lúc này số lượng chất thải từ cá và các lớp tảo chết tích tụ dưới đáy ao rất nhiều. Biểu hiện dễ thấy nhất là khi độ PH tăng trên 7.0 (PH tốt nhất cho cá rô đồng là từ 6.5 - 7.0). Vì vậy trong suốt quá trình nuôi, cần chú ý sử dụng các chất xử lý nền đáy như ziolite hoặc các loại men vi sinh…

Canh giá

Theo kinh nghiệm của bà con vùng này, không chỉ cá rô mà các loại cá khác cũng vậy, cần sắp xếp mùa vụ làm sao để tránh xuất ao vào các tháng 8, 9, 10 âm lịch, vì đây là lúc “đụng” cá tự nhiên, nên cá bán không được giá.

Tốt nhất là nuôi cá trong chính thời gian này, vừa có nguồn nước tốt, vừa có nguồn thức ăn tự nhiên để bước sang tháng 11 âm lịch khi đã hết cá tự nhiên, cũng là lúc cá trong ao vừa đúng lứa, xuất ao lúc này là tốt nhất, cá mập mạp mà thị trường lại hút.

Dứt khoát phải tự nhân giống


1
Tự nhân cá rô giống.
Tại huyện Mộc Hoá, với phong trào nuôi cá trong ao đã có từ trước, mấy năm gần đây, nhiều bà con chuyển sang nuôi cá rô với qui mô hàng trăm hecta và tập trung nhiều nhất ở xã Bình Hoà Trung.

Anh Nguyễn Văn Quốc là người có kinh nghiệm trên năm năm trong nghề cho cá đẻ và nuôi cá rô đồng. Năm 2006, với diện tích 3.500 mét vuông ao, sau gần năm tháng nuôi, anh thu hoạch được 14 tấn cá thịt. Hiện tại cá trong ao của anh Quốc đã được gần 3 tháng tuổi, với trọng lượng trung bình đạt gần 50 gam/con.

Đối với anh, yếu tố quyết định cho thành công của một vụ cá vẫn là vấn đề con giống.

Anh cho biết: “Cho cá đẻ được là tụi tui đã thắng lợi đến bốn, năm mươi phần trăm rồi. Theo tui thì dứt khoát phải sử dụng con giống tự tạo thì mới được, vì giống mua trôi nổi rất dễ lầm với giống “dạt”, hay giống người ta lưới ngoài đồng về thì nuôi không đạt. Mấy năm trước đây nuôi cá thất bại cũng do lấy giống từ nguồn này”. Theo kinh nghiệm, sau mỗi vụ thu hoạch cá, bà con tuyển lại một số cá cái đẹp, đều cỡ, khoẻ mạnh nuôi vỗ vài tháng nữa rồi cho đẻ. Với việc cho cá rô đẻ, có thể nói, hiện bà con đã chủ động được vấn đề kỹ thuật nuôi để có một vụ cá tốt. Việc còn lại hiện nay bà con vùng Đồng Tháp Mười đang gặp phải là vốn.

Cần một sự trợ sức
1
Ao cá của anh Nguyễn Văn Quốc.
Theo anh Nguyễn Văn Quốc, cứ 1.000 mét vuông ao nuôi, cần có khoảng 100 triệu đồng làm vốn. Nhưng hầu hết bà con ở đây chỉ lo được khoảng 30% ở giai đoạn đầu, còn mấy tháng sau, khi cá đang sức lớn, cần lượng thức ăn lớn thì bà con đã đuối sức. Để chạy ăn cho cá lúc này, thường thì phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao làm bà con mất lời. Một số khác không “chạy” được vốn thì cho cá ăn ít lại, nên cá không phát triển rồi cũng bị lỗ.

Theo kỹ sư Võ Thành Hổ, trưởng trạm thuỷ sản Đồng Tháp Mười thì: “Con cá rô khi đến tuổi bán thì không thể trì hoãn được. Nếu kéo dài thì cá sẽ ôm trứng rồi không phát triển nữa, hoặc cá giảm ăn và ốm đi… thường là “lái” hay chê rồi ép giá”

Với việc thành công trong nghề nuôi cá rô, xem như bà con Đồng Tháp Mười đã tạo được cái “nền” rất tốt cho phong trào xoá đói giảm nghèo ở nông thôn. Vấn đề còn lại để phong trào này mang lại hiệu quả cao nhất và ngày càng nhân rộng chỉ là Nhà nước có chính sách tiếp sức cho người dân ở những thời điểm quyết định mà thôi.

Nghề nuôi thỏ

Hôm chủ nhật vừa qua, anh bạn tôi nổi hứng, rủ đi mua thỏ về làm thịt để nhậu. Hai anh em đi lòng vòng mấy điểm, chỗ thì để lỏng chỏng mấy cái lồng không, chỗ thì còn một vài con ốm nhom, điểm dừng chân cuối cùng ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, mới mua được một con thỏ khoảng 2kg giá 55.000đ/kg hơi, nếu tính giá móc hàm là 80.000đ/kg, mặc dù chưa ưng ý lắm nhưng cũng chẳng kiếm ở đâu được con to hơn.

Vớ bở nghề nuôi thỏ
THỎ THỊT SỐT HÀNG
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Dinh phụ trách khuyến nông của xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ông cho biết: Hiện nay thị trường tiêu thụ thỏ thịt rất mạnh, cung không đủ cầu. Nguyên nhân chính trước đây người dân thường nuôi giống thỏ cỏ, các giống thỏ bị thoái hoá, thỏ nuôi chậm lớn, nhiều bệnh tật như: bệnh viêm hô hấp, viêm ruột cấp tính, dẫn tới sự đột tử ở thỏ sau tách mẹ cao. Khi nuôi có thỏ để bán, giá cả lại không ổn định, người chăn nuôi thỏ chán nản, dẫn tới nguồn thỏ khan hiếm.
Để khuyến cáo bà con nông dân tiếp tục gắn bó với nghề nuôi thỏ, vừa qua Viện Chăn nuôi hỗ trợ cho mỗi hộ chăn nuôi ở xã 20 con thỏ cái và 2 con thỏ đực (giống Newzeland), một hầm xử lý phân và nước tiểu cho thỏ trị giá 1.200.000đ/cái, ngoài ra còn cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vacxin, 3 tháng tiêm định kỳ 1 lần. Bên cạnh đó thì Trung tâm Khuyến nông huyện Hóc Môn cũng nhanh chóng thành lập CLB nuôi thỏ và một lò giết mổ tại xã Tân Thới Nhì, nhằm giúp cho bà con nông dân sớm tiếp cận được giống thỏ mới, áp dụng KHKT tiên tiến trong chăn nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm thiểu chi phí, tăng thu nhập. Chính vì vậy bà con rất phấn khởi tham gia, hiện nay toàn xã có 23 hộ chăn nuôi thỏ. Hộ nuôi ít nhất khoảng 100 con, hộ nuôi nhiều 1.500 con, toàn huyện có khoảng 8.000 con thỏ. Tuy nhiên thỏ thương phẩm và thỏ giống sinh sản ra cũng không đủ cung cấp cho thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tố - chủ trại thỏ giống ở khu 6, thị trấn Củ Chi, TPHCM cho hay: Do nhu cầu nuôi thỏ giống mới ngày càng nhiều, mỗi tháng trại sản xuất khoảng 200 con thỏ giống Newzeland, giá thỏ giống bán tới 150.000đ/kg, tuy có hơi cao nhưng với số lượng như vậy cũng chưa đáp ứng đủ cho người nuôi thỏ thịt. Hơn nữa thời điểm này, thỏ thịt hút hàng là do thương lái vận chuyển thỏ ra miền Bắc và miền Trung để bán, phục vụ cho đám cưới, ngoài ra còn vận chuyển bán qua Trung Quốc.
NGHỀ NUÔI VÀ DỊCH VỤ
Chị Tư Tâm, chủ lò giết mổ thỏ ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TPHCM tiết lộ: Thỏ thịt hút hàng, nhiều người thi nhau mở lò giết mổ, đại lý cung cấp thỏ hơi, thỏ thịt. Chỉ tính quanh đây cũng có 4-5 người làm lò giết mổ, chỉ mấy ngày không mua được hàng, không có hàng bán, đều đóng cửa. Nói là lò giết mổ cho hoành tráng chứ thực ra chỉ là một cái quán nho nhỏ, trang bị một nồi nước, đặt trên bếp than suốt ngày sôi liu riu để chờ làm lông thỏ, một bình ga để thui thỏ cho vàng. Khách tới mua thỏ mang về làm mồi nhậu chỉ cần chờ 5 phút là có con thỏ làm sạch lông, thui vàng, thơm nức mũi. Quán đông khách, chị vừa làm thoăn thoắt vừa kể: Bây giờ người ta ăn thịt gà lắm cũng ngán, khách tới mua thỏ thịt mang về nhậu nhiều nên hút hàng. Mỗi ngày tôi bán được 40 – 50 con thỏ thịt, giá thỏ hơi là 55.000đ/kg, cộng thêm 5.000đ tiền công làm lông, thui vàng. Một ngày gia đình chị Tâm thu nhập từ tiền bán và công làm thịt thỏ từ 400 – 500 ngàn đồng.
Nói về thỏ thịt, lão nông Lê Văn Kính, ở ấp Nhị Tân 2, huyện Hóc Môn, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi thỏ vui vẻ cho biết: Trước đây gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào 5 sào lúa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2005 cũng nhờ Viện Chăn nuôi hỗ trợ cho 20 con thỏ cái, 2 con thỏ đực giống mới và thức ăn, tư vấn kỹ thuật, phòng ngừa vacxin… Phát triển đến nay, trại thỏ của tôi tăng đàn lên 1.500 con, vừa thỏ bố mẹ và thỏ con.
Ông Kính bộc bạch: Số đầu thỏ của gia đình nếu tính trong huyện thì lớn nhất nhì nhưng bây giờ ai có muốn mua thỏ để thịt cũng không có, muốn mua thỏ giống cũng không đủ để cung cấp cho thị trường. Hiện nay trong chuồng chỉ có thỏ bố mẹ và một số thỏ con chưa xuất chuồng được. Ông cười vui vẻ, nếu giá bán thỏ thịt luôn giữ vững và ổn định như hiện nay thì nghề nuôi thỏ vớ bở. Theo cách tính của ông, nếu nuôi thỏ, cho ăn thức ăn công nghiệp hoàn toàn thì đầu tư 2,4 kg thức ăn sẽ được 1 kg hơi. Một con bình quân 2 kg hơi, tiêu tốn 5 kg cám x 7.500đ = 37.500đ, cộng tiền thú y và hao mòn chuồng trại, nếu bán giá 45.000đ/kg hơi thì người nuôi lời khoảng 50.000đ/con. Nếu cho thỏ ăn theo cách riêng của ông: thức ăn chủ yếu là bã đậu nành + cám Con Cò dùng cho bò sữa, với tỷ lệ pha trộn 10kg bã đậu + 1,5kg cám bò, lâu lâu bổ sung thêm rau cỏ thì sẽ lời được trên 60.000đ/con thỏ.
Qua việc nuôi thỏ giống và bán thỏ thương phẩm, gia đình ông Nguyễn Văn Kính một tháng thu nhập khoảng 5 triệu đồng.

Thursday, February 9, 2012

Làm giàu từ nghề nuôi cua đinh



Từ 200 con cua đinh, sau 6 năm kiên trì thử nghiệm, bà đã thành công với mô hình của mình. Thành công giúp bà trở thành người phụ nữ miên Tây đầu tiên mở đường phong trào nuôi cua đinh, loài động vật hoang dã được thị trường ưa chuộng với giá cả đắt đỏ.
Cùng với con trai, bà đã mở đường cho phong trào nuôi cua đinh ở miền Tây.
Bà Trịnh Thị Nguyệt, 56 tuổi, cư ngụ tại số 353, ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp, Hậu Giang), đang làm chủ trang trại nuôi cua đinh lớn nhất tỉnh Hậu Giang.

Khởi sự năm 2004 với 200 con mua ở TP Hồ Chí Minh, đến tháng 8-2010, trang trại cua đinh của bà Nguyệt có 3.000 con. Trong đó, 1.000 con cua đinh bố mẹ, 1.500 con hậu bị và 500 con cua đinh con. Cua đinh hậu bị nuôi trong 4 hồ lớn, ngang 8m dọc 16 mét. Bên cạnh, trên 120 cái hồ nuôi số cua đinh còn lại.



Bà kể lại kinh nghiệm nuôi cua đinh: Theo dõi thường xuyên, cập nhật giá cả hằng ngày, tham dự các hội chợ nông nghiệp để giao dịch với khách hàng… Cua đinh kháng thể mạnh, ít bệnh, cho ăn đầy đủ thì mỗi năm đẻ 3 – 4 lứa, mỗi lứa 8 – 15 trứng. Mùa sinh sản của chúng từ tháng 12 âm lịch năm trước đến tháng 7 âm lịch năm sau. Đẻ trên cát, chúng lấp lại và bỏ đi. Thường 100 ngày là nở con.

Cua đinh háu ăn nên ăn được tép, cua, ốc, cá con, ruột gà, ruột vịt… Bà Nguyệt đã thành công trong ấp trứng cua đinh nhân tạo. Bà nhớ, năm 2004, lần đầu cho ấp nhân tạo chỉ nở được xấp xỉ 20%, đến năm 2009, ấp nở được 100%. Bà nói, ấp trứng nhân tạo cua đinh khó hơn ba ba. Cua đinh nuôi, năm đầu tăng trọng 0,8 – 1,5ký, năm sau 2 - 4 ký.


Với điều kiện tốt loại Cua Đinh này có thể lên tới 60kg.

Hiện bà Nguyệt bán cua đinh thịt và cua đinh giống. Mấy tháng đầu năm 2010, bán ra 400 cua đinh giống, loại mới nở 20 ngày – 1 tháng với giá 500.000 đ/con, loại 2 – 3ký giá 1,5 triệu đồng/con. Bà có bán một con cua đinh bố mẹ nặng 12,5 ký, giá 600.000 đ/ký. Còn cua đinh thịt theo giá thị trường và các nhà hàng, khách sạn đều đặt với số lượng chưa đủ cung ứng.

Bà cũng không quên đăng ký với Chi cục Kiểm lâm để được cấp phép nuôi động vật hoang dã. Vợ chồng người con trai Cù Văn Lâm của bà hiện đang kế tiếp bà và trang trại mang tên “Lâm Nguyệt” là tên hai mẹ con.

Cua đinh thuộc họ nhà rùa, có thể đạt trọng lượng đến 60 - 70 kg/con. Loài vật này khỏe và dữ, chân có 3 móng sắc nhọn. Chúng là loài phàm ăn nên nếu ao nào thả nuôi tôm càng xanh, cua, cá... vô phúc bị cua đinh mò vào thì tới mùa thu hoạch, chủ nuôi chỉ còn lại... cái ao không. Giới ăn nhậu kháo nhau rằng thịt cua đinh ngon bổ hơn thịt ba ba; huyết cua đinh pha rượu thì... "ông uống bà khen" nên giá cua đinh bao giờ cũng mắc gấp ba, bốn lần ba ba. Dù vậy muốn mua cua đinh phải có quen biết mới mua được.

Làm giàu từ nghề nuôi cua đinh by st

Những điều cần biết khi chăm sóc Lợn nái





- Lợn nái chửa nuôi theo 2 giai đoạn: giai đoạn I (84 ngày chửa đầu) khối lượng bào thai đạt khoảng 25 - 30%; giai đoạn II (khoảng 30 ngày chửa cuối) bào thai phát triển nhanh, chiếm khoảng 65 - 70% khối lượng lợn con sơ sinh. Vì vậy để lợn con đạt khối lượng sơ sinh cao cần tăng khoảng 25 - 30% lượng thức ăn cho lợn nái chửa kỳ II, mức tăng tuỳ thuộc vào thể trạng béo hay gầy của lợn nái.

- Trong thời kỳ mang thai, lợn nái cần lượng chất khoáng nhiều hơn để phát triển hệ xương của bào thai. Khi khẩu phần ăn của lợn mẹ không đủ, sẽ phải huy động nhiều chất khoáng từ cơ thể lợn mẹ (đặc biệt là canxi và phốt pho từ xương) để nuôi thai. Vì thế, lợn mẹ bị thiếu chất khoáng và dễ dẫn tới bại liệt.

- Bã rượu và thức ăn ủ men có chứa chất kích thích, dễ gây sảy thai. Vì vậy chỉ nên cho lợn ăn dưới 15% trong khẩu phần.

- Đối với lợn nái chửa khi tiêm phòng vắcxin phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bào thai và chủng loại vắcxin. Vì vậy, khi tiêm phòng cho lợn nên thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắcxin và cán bộ thú y. Chú ý không nên tiêm các loại vắcxin sống (vắc xin nhược độc) cho lợn nái chửa vì dễ gây ảnh hưởng đến thai.

- Những biểu hiện của lợn nái sắp đẻ: lợn nái sắp đẻ thường đi lại nhiều, đái dắt, cào ổ, âm hộ nở to và tiết dịch nhờn màu hồng, vú có thể chảy sữa.

- Cần chuẩn bị cho lợn nái đẻ: vệ sinh chuồng nuôi và lợn nái; chuẩn bị ô úm, lót chuồng và dụng cụ đỡ đẻ (vải xô mềm, cồn i-ốt, bông, kéo, panh, chỉ buộc rốn, kìm bấm nanh…)

- Những biểu hiện lợn đẻ khó: lợn nái co chân rặn nhiều, nước ối ra mà con không ra; quá 1 tiếng vẫn chưa đẻ con tiếp theo; lợn mẹ rặn đẻ yếu.

- Những biện pháp xử lý khi lợn đẻ khó:
+ Không vội vàng sử dụng ngay thuốc kích thích đẻ (oxytocin).
+ Kiểm tra ngôi thai: chụm thẳng 5 đầu ngón tay, nhẹ nhàng đưa vào qua âm đạo theo nhịp rặn đẻ của lợn nái. Dùng các đầu ngón tay lần tìm lợn con để xác định thai thuận ngôi hay không (chú ý phải cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng, sau đó thoa nhẹ lên tay một ít vadơlin hoặc dầu ăn).
+ Nếu là thai không thuận ngôi thì phải chỉnh theo hướng thai thuận rồi mới từ từ lôi ra theo nhịp rặn đẻ của lợn mẹ
+ Nếu là thai to thì lúc đó mới tiêm thuốc oxytocin và thuốc trợ lực cho lợn nái (liều sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất) kết hợp nhẹ nhàng lôi lợn con ra theo nhịp rặn đẻ của lợn mẹ.
+ Nên mời cán bộ thú y trợ giúp khi xác định là lợn nái đẻ khó.

- Khi lợn đẻ bọc phải xé bọc ngay, khẩn trương lấy dịch ở miệng và mũi của lợn con, dùng vải xô, vải mềm, giấy vệ sinh lau sạch lỗ mũi lợn. Lợn con bị ngạt phải thổi hơi ngay vào mồm lợn. Nếu lợn con chưa tỉnh thì ngâm lợn chìm trong nước ấm (30 – 35 độ C) khoảng 5 - 10 phút rồi hô hấp nhân tạo.

Những điều cần biết về chăm sóc lợn nái, Nguồn: Khuyến nông Việt Nam

Kỹ thuật nuôi heo nái



A. KỸ THUẬT NUÔI HEO NÁI VÀ HEO CON
I. CHUỒNG TRẠI

1. Chọn địa điểm cao ráo sạch sẽ, thoáng mát, có rèm che lúc mưa gió. Nên xây dựng chiều dài chuồng theo hướng Đông - Tây để tránh bức xạ mặt trời.

2. Nền chuồng làm bằng xi măng, có độ dốc khoảng 2 %, không tô láng (để tránh hiện tượng heo bị trượt). Diện tích chuồng nái nuôi con khoảng 5-6 m2/con, có ô úm cho heo con từ 0,8 - 1 m2/ô. Có máng ăn, núm uống tự động riêng biệt đúng kích cỡ. Ngoài chuồng có rãnh thoát phân và hố phân cách xa chuồng.
3. Có điều kiện nên nuôi heo nái bằng lồng sắt, dùng núm uống tự động (tham khảo kiểu chuồng ở các trại chăn nuôi tiên tiến).
4. Mẫu chuồng lồng nuôi heo nái và heo con



II- CHỌN HEO GIỐNG
1. Nên chọn heo giống Yorkshire hoặc lai giữa Yorkshire với heo Landrace. Không nên chọn heo lai 3-4 máu để làm nái hậu bị.
2. Chọn ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt chọn giai đoạn heo 7-8 tháng tuổi đạt trọng lượng 90-100 kg để phối giống.
3. Chọn những con dài thân, mông vai nở, háng rộng, bốn chân thẳng, chắc chắn, có bộ móng tốt, âm hộ (hoa) phát triển tốt, núm vú nổi rõ, hai hàng vú thẳng phân bố đều, khoảng cách hai hàng vú gần nhau là tốt. Heo nái có ít nhất 12 vú trở lên. Chú ý nên chọn những con có tính tình hiền lành.
4. Có thể chọn mua heo giống ở các trại chăn nuôi, hoặc chọn heo con từ những con nái tốt của hàng xóm.
5. Đối với heo thịt nên chọn nuôi heo lai 3 máu để phát huy ưu thế lai (heo mau lớn, khả năng chống bệnh cao, tỷ lệ nạc nhiều…).

III. HEO LÊN GIỐNG VÀ PHỐI GIỐNG
1. Phối giống cho heo vào thời gian 7-8 tháng tuổi đạt trọng lượng từ 90-120 kg.
2. Heo lên giống ăn ít hoặc bỏ ăn, cắn phá chuồng, kêu réo liên tục, nhảy lên lưng của heo khác, âm hộ sưng đỏ, có thể có nước nhầy chảy ra.
3. Thời gian heo lên giống từ 3-5 ngày, phối giống vào cuối ngày thứ hai hoặc sang ngày thứ ba là tốt. Phối vào lúc heo chịu đực. Biểu hiện heo chịu đực: heo đứng im cho con khác nhảy lên lưng nó, hoặc người dùng hai tay ấn mạnh lên lưng heo vẫn đứng im, dịch nhờn âm hộ keo đặc lại.
4. Có thể phối giống bằng heo đực nhảy trực tiếp hoặc bơm tinh nhân tạo, nên phối kép (phối hai lần), lần phối thứ hai cách lần phối thứ nhất từ 6-8 giờ.
5. Không nên dùng heo đực có trọng lượng quá lớn nhảy với heo nái mới phối lần đầu. Chuồng cho heo phối phải sạch sẽ, nên rải rơm hoặc cỏ khô xuống dưới nền chuồng là tốt nhất.

IV. CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG HEO NÁI MANG THAI
1. Sau thời gian phối từ 18-21 ngày nếu heo không đòi đực lại thì coi như heo đã có chửa. Thời gian heo chửa 114 ngày (3 tháng + 3 tuần + 3 ngày) ± 3 ngày.
2. Giai đoạn 1-90 ngày tùy tầm vóc của heo nái mập, gầy mà cho ăn lượng thực phẩm hợp lý 2-2,5 kg/ con/ngày. Từ 91 ngày trở đi cho heo ăn tăng lên từ 2,5-3,0 kg/con/ngày. Trước khi sinh 3 ngày phải giảm thức ăn xuống từ 3 kg - 2 kg - 1 kg/ngày. Ngày heo đẻ có thể không cho ăn để tránh sốt sữa.
3. Trong thời gian chửa 2 tháng đầu không nên di chuyển heo nhiều, tránh gây sợ sệt heo sẽ bị tiêu thai. Trong thời gian chửa nên cho heo ăn thêm rau xanh, cỏ xanh.
4. Cung cấp nước sạch cho heo uống theo nhu cầu.

V. CHĂM SÓC HEO NÁI ĐẺ VÀ HEO CON THEO MẸ
1. Trước ngày heo đẻ 2-3 ngày, vệ sinh chuồng trại, tắm chải heo mẹ sạch sẽ, diệt ký sinh trùng ngoài da.
2. Heo nái sắp đẻ biểu hiện: Ỉa đái vặt, bầu vú căng mọng, bóp đầu vú sữa vọt ra, khi thấy nước ối và phân xu, heo nái rặn từng cơn là heo con sắp ra.
3. Heo con đẻ ra dùng giẻ sạch lau nhớt ở miệng, mũi, lau khô, cắt rốn, bấm răng bỏ vào ô úm (sát trùng cuống rốn và dụng cụ bằng bông y tế nhúng cồn Iốt). Sau đó cho heo con bú "sữa đầu" càng sớm càng tốt để có sức đề kháng chống lại những nhiễm khuẩn phổ biến, giữ ấm cho heo con từ 31-33 0C trong mấy ngày đầu bằng bóng đèn điện hoặc rơm, bao bố.
4. Bình thường heo đẻ 5-10 phút/con. Nếu ra nước ối và phân xu sau 1-2 giờ rặn đẻ nhiều mà không đẻ hoặc con nọ cách con kia trên 1 giờ thì phải mời thú y can thiệp.
5. Trường hợp heo mẹ khỏe, bình thường không nằm đè con thì nên cho heo con bú tự do là tốt nhất. Nếu nhốt vào ô úm thì tối thiểu cho bú 1 giờ 1 lần. Nên sắp xếp heo con có khối lượng nhỏ cho bú vú phía trước để đàn heo con phát triển đều.
6. Heo con đẻ ra trong 1-3 ngày đầu chích sắt liều 200 mg/con (1-2 cc/con). Nếu heo mẹ thiếu sữa thì có thể cho heo con ăn dặm thêm các chế phẩm dinh dưỡng dành cho heo con sơ sinh. Từ 7-10 ngày tập cho heo con ăn bằng loại thức ăn dễ tiêu. Thiến heo đực vào khoảng 3-7 ngày tuổi.
7. Nên tập heo con ăn sớm để có thể cai sữa. Tùy điều kiện thức ăn và tình trạng đàn heo mà cai sữa hợp lý. Nên cai sữa vào khoảng từ 28-35 ngày tuổi.
8. Heo mẹ đẻ xong, theo dõi số lượng nhau ra. Thụt rửa tử cung bằng thuốc tím 0,1%. Ngày thụt 2 lần, mỗi lần 2-4 lít, nếu sốt cao phải chích kháng sinh, hoặc mời thú y can thiệp.
9. Heo nái đẻ xong nên cho ăn tăng dần, từ ngày thứ 3 hoặc thứ 4 trở đi cho ăn thỏa mãn nhu cầu.
10. Thời kỳ heo nái nuôi con, thức ăn phải tốt, máng phải sạch sẽ, không để thức ăn mốc, thừa, máng uống phải luôn đầy nước vì heo tiết sữa sẽ uống rất nhiều nước, không nên thay đổi thức ăn của heo nái.

VI. CAI SỮA HEO
1. Gần ngày cai sữa nên giảm lần bú của heo con và tăng lượng thức ăn để chuẩn bị cho giai đoạn sống tự lập. Đồng thời giảm thức ăn của heo mẹ để giảm tiết sữa.
2. Ngày cai sữa cho heo mẹ nhịn ăn, sau đó cho ăn tăng lên để sớm động dục lại. Sau cai sữa 4-7 ngày heo nái động dục lại là tốt. Heo con giảm ½ khẩu phần sau đó tăng lên từ từ theo đủ nhu cầu.
3. Heo con sau cai sữa cần được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt, nên nuôi heo trên lồng sắt sau cai sữa là tốt nhất.

VII. SỬ DỤNG THỨC ĂN CHO HEO MẸ VÀ HEO CON
1. Heo nái nuôi con: Nên sử dụng thức ăn hỗn hợp của các xí nghiệp thức ăn gia súc có uy tín, mới sản xuất.
2. Heo con từ tập ăn đến 20 kg: Nên sử dụng thức ăn hỗn hợp của các xí nghiệp thức ăn gia súc có uy tín, mới sản xuất.
3. Khi dùng thức ăn đậm đặc trộn với nguyên liệu địa phương thì: Phải trộn theo tỷ lệ của nhà sản xuất. Yêu cầu dùng nguyên liệu thật tốt, không bị ẩm mốc, sâu mọt.

B. KỸ THUẬT NUÔI HEO THỊT

I. THỨC ĂN VÀ CÁCH CHO ĂN
1. Thức ăn: Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi heo thịt, thức ăn tốt giúp heo mau lớn, lãi suất cao, nâng cao phẩm chất quầy thịt. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng hộ chăn nuôi mà sử dụng các phương thức sau:
- Dùng thức ăn đậm đặc trộn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.
- Dùng thức ăn tự trộn.
- Dùng thức ăn hỗn hợp (hay cám bao) của các Xí nghiệp Thức ăn gia súc có uy tín.

* Chú ý: Khi phối hợp khẩu phần cần lưu ý đến tỷ lệ tối đa của một số nguyên liệu.
- Khoai mì: Có chứa HCN rất độc, nên sử dụng nguyên liệu đã qua chế biến.
- Đậu nành phải được rang chín, nếu cho ăn sống dễ gây tiêu chảy, nhưng không nên rang cháy.
- Bột cá: Sử dụng bột cá loại tốt, không nên để lẫn sạn, cát…
- Premix: Là chế phẩm bổ sung thêm axit amin, vitamin, khoáng vi lượng… Premix có nhiều loại khác nhau Aminoaxit (Mỹ), Vitamin (Nhật), Embavit (Anh), premix cho các loại heo số 1-4 (Bayer), Polypac (Đại học Nông lâm Tp HCM). Liều lượng theo lời chỉ dẫn.
- Một số công thức trộn thức ăn heo thịt (để tham khảo):

2. Chế độ cho ăn:
Khi heo mới bắt về cho ở chuồng riêng càng xa heo cũ càng tốt. Ngày đầu không nên tắm heo, nên cho heo ăn (nhất là heo con) ăn khoảng 1/2 nhu cầu, sau 3 ngày mới cho ăn no, thời gian đầu sử dụng cùng loại thức ăn với nơi bán heo, sau đó nếu thay đổi loại thức ăn thì phải thay đổi từ từ.
Căn cứ vào đặc điểm phát triển của heo và điều kiện chăn nuôi của từng hộ mà có 2 phương thức cho ăn:
- Phương thức cho ăn tự do: Cho heo ăn tự do theo nhu cầu từ cai sữa đến xuất chuồng. Phương thức này có ưu và khuyết điểm như sau:
+ Ưu điểm: Heo mau lớn nên thời gian nuôi ngắn, quay đồng vốn nhanh.
+ Khuyết điểm: Không tiết kiệm được thức ăn, heo có tỷ lệ mỡ cao.
- Phương thức cho ăn định lượng:
¨ Heo dưới 60 kg: Ở giai đoạn này cho ăn tự do theo nhu cầu phát triển của heo (ở giai đoạn dưới 30 kg nên cho heo ăn nhiều bữa trong ngày).
¨ Từ 61 kg đến lúc giết thịt: Ở giai đoạn này nếu cho ăn nhiều heo sẽ mập do tích lũy mỡ, nên cho ăn hạn chế khoảng 2,3 - 2,7 kg/con/ngày và sử dụng đúng loại thức ăn. Phương thức này có ưu và khuyết điểm như sau:
+ Ưu điểm: Tiết kiệm được thức ăn, heo có tỷ lệ nạc cao hơn phương thức cho ăn tự do.
+ Khuyết điểm: Thời gian nuôi kéo dài.

II. NƯỚC UỐNG
Nước uống cho heo phải sạch sẽ và đủ lượng nước theo nhu cầu.

III. CHĂM SÓC
- Luôn đảm bảo đàn heo sạch sẽ, thoáng mát, khu vực chăn nuôi phải yên tĩnh, không xáo trộn ảnh hưởng đến heo.
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện những trường hợp bất thường xảy ra. Đánh dấu theo dõi, kiểm tra thức ăn hàng ngày để điều chỉnh kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra nước uống, thức ăn trước khi dùng.

IV. XUẤT BÁN HEO
- Khi đến thời kỳ xuất chuồng chúng ta có thể sử dụng công thức để ước tính trọng lượng heo: P (kg) = 87,5 x (vòng ngực)2 x dài thân
Ví dụ: Heo có vòng ngực 90 cm, dài thân 85 cm, thì trọng lượng sẽ là: 87,5 x (90)2 x 85 = 60,24 kg.
Lưu ý: Khi đo phải để heo đứng ở tư thế thoải mái.
- Nên xuất heo vào giai đoạn đạt trọng lượng từ 90-100 kg/con.
- Nếu đang dùng kháng sinh để phòng bệnh thì phải ngưng thuốc từ 1-2 tuần trước khi xuất chuồng.
- Ngày xuất chuồng phải tắm rửa vệ sinh sạch sẽ. Nên xuất chuồng vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều, cho uống nước đầy đủ, không nên cho ăn no tránh heo chết do vận chuyển.

C. PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH
I. VỆ SINH PHÒNG BỆNH:
1. Vệ sinh chuồng trại:
- Ngăn cách khu vực chăn nuôi heo với các súc vật khác như: Chó, mèo…
- Rửa và phun thuốc sát trùng chuồng trại sạch sẽ ít nhất 3-7 ngày trước khi thả heo vào chuồng. - Hàng ngày phải quét phân trong chuồng giữ cho chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. - Xử lý xác chết gia súc nghiêm ngặt: Chôn sâu, đốt...
- Nên có kế hoạch rửa chuồng, phun thuốc sát trùng và diệt ruồi, muỗi mỗi tháng một lần.

2. Vệ sinh thức ăn và nước uống:
- Thường xuyên kiểm tra thức ăn trước khi cho heo ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, không bị thiu, thối, mốc…
- Nếu sử dụng thức ăn tự trộn thì định kỳ phải trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh cho heo.
- Nước uống phải đủ, sạch và không bị nhiễm bẩn.

II. TIÊM PHÒNG CHO HEO
1. Heo nái
- Trước khi phối giống chích ngừa đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn.
- Định kỳ chích ngừa cho heo nái các bệnh giả dại, parvovirus, viêm phổi theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất.
2. Heo con:
- Chích ngừa đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả, sau 2-3 tuần chích lập lại lần 2.
- Bắt buộc chích ngừa bệnh Lở mồm long móng và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh lở mồm long móng theo sự hướng dẫn của trạm thú y địa phương.

D. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP
I. BỆNH VIÊM TỬ CUNG: Thường xảy ra sau khi sinh 1-5 ngày.
1 Nguyên nhân:
- Bị nhiễm trùng khi phối giống do: Dụng cụ thụ tinh, tinh nhiễm khuẩn, thao tác thụ tinh không đúng kỹ thuật, không vệ sinh vùng âm hộ của heo nái khi phối, heo đực bị viêm niệu quản (khi phối trực tiếp).
- Bị nhiễm trùng khi sanh do: Chuồng trại thiếu vệ sinh, dụng cụ, tay không sát trùng, đỡ đẻ không đúng kỹ thuật, heo con quá lớn khi đẻ gây xây xát, kế phát của bệnh sót nhau.

2. Triệu chứng: Heo sốt 40-41 0C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chất nhầy và mủ chảy ra ở âm hộ trắng đục hôi thối.

3. Điều trị:
- Dùng một trong những loại kháng sinh sau: Ampicillin: 2 g/ngày; Penicillin: 3-4 triệu UI/2 lần/ngày; Tylan: 7-8 mg/kg trọng lượng/ngày; Septotrim 24% 1 cc/15 kg trọng lượng/ngày. Để tăng sức đề kháng và mau lành ta dùng thêm: Anagin: 2 ống 5cc; Vitamin C: 2 g/ngày; Dexamethasol: 5-10 mg/ngày.
- Thụt rửa tử cung bằng thuốc tím 0,1% ngày 1 lần từ 2-4 lít, sau khi thụt rửa 30 phút dùng Penicillin 2-3 triệu UI bơm vào tử cung.

II. Bệnh viêm vú:

1. Nguyên nhân: Vú bị xây xát dẫn đến nhiễm trùng (do răng heo con cắt không sát, chuồng trại thiếu vệ sinh), kế phát bệnh viêm âm đạo, tử cung, sót nhau dẫn đến viêm vú, sữa mẹ quá nhiều, heo con bú không hết dẫn đến viêm vú.

2. Triệu chứng: Heo sốt cao 40-410C, bỏ ăn, phân táo, vú sưng, nóng, đỏ, đau, vú viêm không cho sữa, vắt sữa thấy lợn cợn màu trắng xanh vàng. Heo con bú sữa viêm bị tiêu chảy.

3. Điều trị: - Nếu kế phát bệnh viêm âm đạo tử cung, sót nhau ta phải điều trị.
- Dùng thuốc kháng sinh và tăng sức đề kháng tương tự bệnh viêm tử cung.
- Chườm lạnh vú viêm để giảm hiện tượng viêm đồng thời vắt bỏ sữa bị viêm.
- Khi đã hồi phục để tăng khả năng cho sữa: Chườm nóng bầu vú, chích Oxitocin: 10 UI/ngày, 3-4 ngày, dùng chế phẩm có chứa Thyroxine, khoáng, vitamin bổ sung cho nái.
Chú ý: Ta nên chích kháng sinh vào quanh gốc vú hoặc tĩnh mạch để bệnh mau lành.

III. Bệnh mất sữa: Thường xảy ra từ 1-3 ngày sau sanh.

1. Nguyên nhân: Kế phát bệnh viêm vú, bệnh viêm tử cung, sót nhau, suy dinh dưỡng lúc mang thai, đặc biệt thiếu can xi, năng lượng, Vitamin C, suy nhược một số cơ quan nội tiết.

2. Triệu chứng: Vú căng nhưng không có sữa, sau đó teo dần, không sốt hoặc sốt cao (kế phát bệnh viêm vú, viêm tử cung, sót nhau), dịch nhầy chảy ra ở âm môn, đi đứng loạng choạng, có khi bị bại liệt, lượng sữa giảm dần rồi mất hẳn.

3. Điều trị: Nếu là kế phát bệnh viêm vú, viêm tử cung, sót nhau thì ta phải điều trị các bệnh này. Ngoài ra ta còn sử dụng: Thyroxine: 2 mg/ngày chích bắp hoặc tĩnh mạch 4-5 ngày (hoặc dùng các chế phẩm kích thích tiết sữa: Lactoxil, Thyroxine… cho nái ăn); chích Oxitoxine: 10 UI/lần/ngày dùng 4-5 ngày; Glucoza 5%: 250 cc/ngày 3-4 ngày chích tĩnh mạch, phúc mạc hay dưới da; Gluconatcanxi 10%: 10 cc/ngày chích tĩnh mạch 3-4 ngày (nếu nái bị bại liệt ta dùng Gluconatcanxi: 50 cc/ngày 3-4 ngày) đồng thời ta dùng thêm Vitamin C, Vitamin B12, Bcomlex… và khoáng chất.

Chú ý: Khi dùng Thyroxin đòi hỏi thân nhiệt phải bình thường: 38 - 390C.

IV. Bệnh heo con tiêu chảy phân trắng:

Bệnh thường xảy ra ở heo con theo mẹ dưới 30 ngày tuổi.

1. Nguyên nhân:
- Chuồng trại thiếu vệ sinh, lạnh, ẩm ướt.
- Đối với heo mẹ: Do thiếu dinh dưỡng lúc mang thai, đặc biệt thiếu vitamin A, thay đổi đột ngột khẩu phần heo mẹ lúc nuôi con, heo mẹ có thể bị một số bệnh: Phó thương hàn, viêm vú, viêm tử cung, sót nhau …
- Đối với heo con: Thiếu sữa đầu, thiếu nguyên tố vi lượng, đặc biệt là thiếu sắt, heo con bị viêm rốn, thức ăn cho heo con bị chất lượng kém, chua mốc, heo con bị nhiễm một số virus: Rotavirus, Coromavirus; Vi trùng Ecoli, Clostridium, Samonilla, cầu trùng.

2. Triệu chứng: Heo con thường không sốt hoặc sốt nhẹ, thời kỳ đầu bụng hơi chướng, về sau bụng tóp, lông xù, đít dính phân nhoe nhoét, ói mửa (ít xảy ra). Đặc trưng là phân lỏng trắng như vôi, vàng đôi khi có bọt, cá biệt có thể có máu, phân có mùi tanh đặc biệt.

3. Điều trị: Trước khi điều trị ta phải xác định rõ nguyên nhân, vừa điều trị nguyên nhân, vừa điều trị triệu chứng tiêu chảy trên heo con thì mới có kết quả. - Điều trị tiêu chảy: Thuốc cầm tiêu chảy (se niêm mạc ruột) cho uống các chất chát: Lá ổi, cỏ sữa, măng cụt... Bổ sung vi khuẩn đường ruột: Dùng Biolactyl: 1 g/con/ngày. Dùng kháng sinh uống hoặc chích một trong những loại sau (từ 2-3 ngày liên tục): + Uống: Baytrill 0,5%: 1 cc/5 kg trọng lượng/ngày; Flumcolistin: 1 cc/3-5 kg trọng lượng/ngày; Spectinomycine: 1 cc/4-5 kg trọng lượng/ngày; Baycox 2,5 %: 0,8 cc/kg trọng lượng/ngày (nghi bị cầu trùng). + Chích: Baytrill 2,5%: 1 cc/ 10 kg trọng lượng/ngày; Septotrim 24 %: 1 cc/10 kg trọng lượng/ngày; Bencomycine S: 1 cc/ 15-20 kg trọng lượng/ngày; TyloPC: 1 cc/5 kg trọng lượng/ngày. Để phòng mất nước, chất điện giải ta bổ sung thêm Orezol, Lactatringer…/

Kỹ thuật nuôi bò thịt


1 Chuồng trại
Chuồng trại dùng trong chăn nuôi bò thịt cần đủ để che nắng, mưa, chống gió lùa,? dễ.thao tác vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Chuồng trại nên xây? cách nhà ởtối thiều là 4m, hướng chuồng quay về hướng nam hoặc đông nam để đảm? bảo ánh sáng_ và độ thông thoáng của chuồng, chuồng trại nên làm một mái, mái làm? bằng vật liệu nhẹ tận dụng tại địa phương (rơm, cỏ tranh...) các vật liệu này không hấp? phụ nhiệt làm chuồng nuôi mát mẻ. Trước mỗi chuồng cần xây máng ăn, phía sau chuồng liền với sân chơi và có hàng rào bao bọc, ngoài sân chơi cần bố trí các bể uống nước cho? bò. Khi xây chuồng phải đảm bảo mật độ nuôi 2,5 - 3m2 (1 ,5 x 2m)/con, chuồng nuôi? phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và luôn khô ráo.

2 Thức ăn cho bò:XEM  VIDEO>>>> THỨC ĂN CHO BÒ
Thức ăn cho bò bao gồm có ba loại thức ăn sau:
Loại thức ăn thô xanh: Bòlà động vật ăn cỏ nên không một loại thức ăn nào có? thề thay thế hoàn toàn được cho cỏ. Lượng cỏ mà bò ăn trong ngày đạt từ 10 - 20kg/con.? Nếu bò ăn chưa đủ ta có thể bổ sung cỏ cắt đã được phơi 1 - 2 nắng đề tăng lương chất thô? ăn vào.
Loại thức ăn khô rơm: Rơm là loại thức ăn .phổ biến, kinh tế, tuy nhiên để tăng hiệu quả sử dụng, tung độ tiêu hoá, 'rơm cần được xử tý trước khi cho bò ăn bằng cách ủ? với urê.
Loại thức ăn hỗn hợp: Do chết lượng thô xanh không thể cung cấp đầy đủ cho? nhu cầu dinh dưỡng của bò thịt, do vậy cần phải bổ sung thức ăn tinh trong giai đoạn bò? mang thai, nuôi con nhất là trong giai đoạn vỗ béo. Thức ăn tinh tốt nhất trên thị trường? hiện nay dùng cho bò nuôi thịt là thức ăn hỗn hợp Con CòC42 của Cty .thức ăn gia súc Con Cò.
Thức ăn Con CòC42 được SXvới công thức cân đối các thành phần dinh dưỡng? đạm, khoáng, năng lượng đáp ứng cho việc bổ sung dinh dưỡng nhằm tăng cường khả? năng tăng trọng và SX của bò.





Kỹ thuật nuôi bò thịt

3 Chăm sóc nuôi dưỡng.
1 / Chăm sóc bê từ 1 đến 6 tháng tuổi.
Khi bê được sinh ra phải được lau kì)ôf cát rốn, bóc móng. Sau khi bê đẻ ra phải được cho bú ngay và bú hết sữa đau từ 7 - 10 ngày, sau đó cho bê bú bình thường.
Đây là giai đoạn nuôi bê bằng sữa mẹ nên cần phải nuôi bò mẹ tốt để có đủ lượng? sữa cho bê. Thức ăn cho bò mẹ phải được bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp. Lượng sữa mẹ? giảm dần theo tháng tuổi của bê. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của bê và tạo đ ều kiện? cho việc cai sữa cần tập cho bê ăn sớm bằng thức ăn hỗnhợp Con CòC42.
2/ Khẩu phần thức ăn cho bê:

Ngày tuổi
Khẩu phần (kg/ngày)


Sữa nguyên Thức ăn Con Cò C42 Cỏ khô Cỏ tươi
10 - 30 6





30 - 80 3 0,4 0,2 - 0,7

80 - 160

1 0,2 - 0,7 4
160 - 180

1,5 0,2 - 0,7 5 - 10

4/ Chăm sóc bê trong giai đoạn trưởng thành (7 - 21 tháng):
Cần tiến hành cai sữa cho bê sau 6 tháng tuổi (dời cơ sở chăn nuôi tập trung), 8? tháng (dời chăn nuôi gia đình). Đây là giai đoạn chuyển chế độ nuôi dưỡng từ sữa mẹ? sang sử dụng thức ăn thô xanh, cho nên cần đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn cho? bê để bê phát mền tốt và không ảnh hưởng tới sự phát triển của giai đoạn sau. ngọn nguồn? thức ăn chăn thả cần bổ sung thức ăn hỗn hợp.


5/ Khẩu phần thức ăn cho bê

Trọng lượng cơ thể (kg) ? Khẩu phần (kg/ngày)


Thức ăn hỗn hợp Con Cò C42 ??? Cỏ tươi ? Cỏ khô
100 - 175 1,2 10 - 16 1 - 1,5
175 - 320 1,5 20 - 30 2

Lưu ý' Khi Sử dụng C42 cho bê ăn 2 lấn/ngày trước khi cho ăn cỏ tươi.


6/ Bòvỗ béo (21 - 24 tháng tuổi): .
Để rút ngắn thời gian nuôi và đạt trọng lượng cao nhất trong thời gian ngắn nhất? nhằm nâng cao số lượng và chất lượng thịt, thời đ ếm vỗ béo. tọt nhất là từ 21 24 tháng? tuổi.

7 Phương pháp vỗ béo

Có thể áp dụng một trong hai phương pháp sau:
Phương pháp 1: Chăn thả kết hợp với bổ sung thức ăn tại chuồng. Bòđược chăn? thả trên đồng vào buổi sáng. Buổi chiều cho ăn cỏ cắt, rơm ủ urê, rỉ mật và thức ăn cám? Con CòC42 tại chuồng. Chú ý đối với bò vỗ béo nên hạn chế hoạt động vì vậy chỉn nên? chăn thả ởđồng cỏ gần.
Phương pháp 2. Vỗ béo hoàn toàn tại chuồng. Bòđược nuôi nhốt hoàn toàn đề?? hạn chế hoạt động, cỏ cắt, rơm ủ urê, rỉ mật và thức ăn cám Con CòC42 được cho ăn tại chuồng.
Khẩu thức ăn .cho bò vỗ béo/ngày.

Thể trọng bò (kg) Thức ăn thô xanh (kg) Thức ăn khô (kg) Thức ăn hỗn hợp Con Cò C42 (kg) Rỉ mật đường (kg)
230 - 260 20 3 2 0,5
290 30 4 3,5 1,0
320 - 350 35 5 5 1,5

8/ Bò mang thai:
Bò mang thai từ tháng thứ 6 trở đi,ngoài thức ăn thô xanh, phải bổ xung thêm 1- 1,5kg cám hỗn hợp Con Cò C42/bò/ngày.

Kỹ thuật nuôi bò thịt by sưu tầm



********************************

Bài hướng dẫn khác

I – CHỌN BÒ CÁI SINH SẢN LÀM GIỐNG.

Một con bò cái sinh sản tốt phải đạt các yêu cầu sau:

* Đẻ sớm và khoảng cách giữa hai lần đẻ ngắn.

- Đẻ sớm: Tức là bò cái đẻ lứa đầu trung bình ở khoảng từ 27 – 30 tháng tuổi (bò động dục lần đầu ở khoảng 18 đến 21 tháng tuổi.

- Khoảng cách giữa hai lần đẻ ngắn: tốt nhất là bò cái đẻ năm một, tức là cứ 12 – 14 tháng đẻ một con bê.
Kỹ thuật nuôi bò thịt

* Ngoại hình thể hiện là một con bò cái sinh sản tốt, cụ thể là:

- Có dáng thanh nhẹ, da mỏng, lông thưa, thuần tính, hiền lành, các phần đầu, cổ, thân và vai kết hợp hài hòa.

- Đầu thanh nhẹ, mõm rộng, mũi to, hàm răng đều đặn, trắng bóng, cổ dài vừa phải và thanh, da cổ có nhiều nếp nhăn.

- Ngực sâu và rộng; xương sườn mở rộng, cong về phía sau, bụng to nhưng không sệ, bốn chân thẳng và mảnh, móng khít, mông nở, ít dốc.

- Bầu vú phát triển về phía sau, 4 núm vú đều, dài vừa phải, không có vú kẹ, da vú mỏng, đàn hồi, tĩnh mạch vũ nổi rõ, phân nhánh ngoằn nghèo.

II – PHỐI GIỐNG CHO BÒ.

* Phát hiện động dục và đưa bò cái đi phối giống.

- Phát hiện kịp thời bò động dục: Khi bò cái động dục có những biểu hiện chủ yếu như sau: bò kêu rống, đi lại bồn chồn, phá chuồng, ăn kém hoặc bỏ ăn, con vật hưng phấn cao độ, thích nhảy lên lưng con khác sau đó đứng yên để con khác nhảy lên, âm hộ hơi mở, màu đỏ hồng, dịch nhờn chảy ra từng sợi từ mép âm hộ.

­- Thời điểm phối giống thích hợp:

+ Bò cái động dục chịu đứng yên cho con khác nhảy lên.

+ Dịch nhờn có độ keo dính cao, đứt quãng.

+ Âm hộ hơi mở, niêm mạc âm hộ chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt.

* Phối giống cho bò có hai phương pháp:

- Thụ tinh nhân tạo: Dẫn tinh viên sẽ dùng tinh dịch bò (tinh viên hoặc tinh cộng rạ đông lạnh) và dụng cụ để phối giống nhân tạo cho bò cái. Bê lai đẻ ra sẽ đẹp hơn và to hơn so với dùng bò đực cho phối giống trực tiếp.

+ Dùng bò đực lai có máu ngoại 75% trở lên (F2) được bình tuyển đủ tiêu chuẩn giống cho nhảy trực tiếp ở những vùng sâu vùng xa, chưa có điều kiện phối giống nhân tạo.

III- CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG BÒ ĐẺ VÀ BÊ.

* Chăm sóc bò chửa:

Bò cái có chửa cần được ăn uống đầy đủ, mỗi ngày 30 – 35kg cỏ tươi, 2kg rơm ủ, 1kg thức ăn tinh (ngô, cám…) 30 – 40 gam muối, 30 – 40 gam bột xương, không bắt bò làm việc nặng như: cày, bừa… tránh xô đẩy, xua đuổi bò mạnh trong các tháng chửa thứ ba, thứ tư, thứ bảy, thứ tám, thứ chín.

* Đỡ đẻ cho bò:

Thời gian mang thai trung bình của bò là 281 ngày.

- Triệu chứng bò sắp đẻ: Bò có hiện tượng sụt mông, đầu vú căng, đầu vú chĩa về hai bên, niêm dịch treo lòng thòng ở mép âm hộ, đau bụng, đứng lên nằm xuống, ỉa đái nhiều lần, có cơn rặn mạnh, bộc ối thò ra ngoài mép âm hộ.

- Đỡ đẻ cho bò:

+ Trong trường hợp bò đẻ bình thường (thai thuận) không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái dùng tay kéo nhẹ thai ra. Khi bò đẻ sẽ vở ối, hứng lấy nước ối. Cắt dây rốn dài khoảng 10 – 12cm (không cần buộc dây rốn), sát trùng bằng cồn I - ốt 5%. Lau rớt dãi trong mũi, mồm bê, để bò mẹ tự liếm con. Nếu bò mẹ mệt không liếm ta phải dùng khăn khô lau bê. Bóc móng để bê con khỏi trơn trượt khi mới tập đi. Vệ sinh phần thân sau và bầu vú bò mẹ, cho bò mẹ uống nước ối, thêm ít muối, cám và nước ấm. Cho bê con bú, ghi sổ sách theo dõi bò, bê.

+ Trường hợp đẻ khó phải gọi cán bộ thú y can thiệp kịp thời.

* Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đẻ và bê con:

- Đối với bò mẹ:

+ Từ 15 – 20 ngày đầu sau khi đẻ cho bò mẹ ăn cháo (0,5 – 1kg thức ăn tinh / con/ngày) và 30 – 40gr muối ăn, 30 – 40gr bột xương, có đủ cỏ non xanh ăn tại chuồng.

+ Những ngày sau, trong suốt thời gian nuôi con, một ngày cho bò mẹ ăn 30kg cỏ tươi, 2 – 3kg rơm ủ, 1-2 kg cám hoặc thức ăn hỗn hợp để bò mẹ phục hồi sức khỏe, nhanh động dục lại để phối giống.

- Đối với bê:

+ Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi nuôi ở nhà, cạnh mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, chỗ bê nằm khô sạch.

+ Trên 1 tháng tuổi: chăn thả theo mẹ ở bãi gần chuồng, tập cho bê ăn thức ăn tinh.

+ Từ 3 – 6 tháng tuổi: cho 5 – 10 kg cỏ tươi và 0,2 kg thức ăn tinh hỗn hợp. Tập cho bê ăn cỏ khô. Nên cai sữa bê vào khoảng 6 tháng tuổi.

+ Từ 6 - 24 tháng tuổi: chăn thả là chính, mỗi ngày cho ăn thêm 10 – 20kg cỏ tươi, ngọn mía, ngọn ngô non… Mùa thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2 – 4 kg cỏ khô một ngày.

- Vỗ béo bò:

Trước khi giết mổ bò phải được vỗ béo. Thời gian vỗ béo từ 60 – 90 ngày.

+ Chăn thả 7 – 8 giờ/ngày.

+ Cỏ xanh : 10% trọng lượng cơ thể / ngày.

+ Tảng liếm : 0,07kg.

+ Thức ăn tinh: 1,5 – 2kg/ngày.

+ Bổ sung thêm rơm ủ urê 4%.

Lưu ý: Cho gia súc ăn từ từ để quen thức ăn. Tẩy giun sán trước khi vỗ béo. Cung cấp nước uống đầy đủ.

IV- KỸ THUẬT Ủ RƠM VỚI URÊ.

Lợi dụng đặc điểm bộ máy tiêu hóa của trâu, bò có thể chuyến hóa đạm vô cơ của urê thành nguồn đạm cho cơ thể, bà con nông dân nên áp dụng phương pháp ủ rơm với urê rất đơn giản:

- Nguyên liệu gồm: 100kg rơm khô, 100 lít nước sạch; 4kg urê.

- Cho urê hòa tan trong nước rồi dùng bình tưới tưới đều lên rơm khô theo từng lớp, sau đó ủ rơm trong bao ni lông hoặc bể gạch đậy kín.

- Sau 7 ngày lấy dần dần cho bò ăn, tập cho bò ăn 3 – 5 ngày đầu, ăn quen mỗi ngày ăn 5 – 7kg/con.

V- PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH:

* Định kỳ tiêm phòng một số bệnh: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng…

* Ký sinh trùng ngoài da (ve, ruồi, muỗi, ghẻ…)

- Dùng 1,25 gam Neguvon + 0,3 lít dầu ăn + 0,5 thìa xà phòng bột cho vào 1 lít nước rồi lắc cho thuốc tan đều. Lấy giẻ sạch tẩm dung dịch thuốc trên xát toàn thân trâu bò.

* Giun sán:

- Thuốc Lêvavét để tẩy giun tròn.

- Thuốc viên Fasinex 900 để tẩy sán lá gan.

- Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.